Báo cáo cho biết, triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc hiện ở mức vô cùng nhỏ, vì vậy, tình trạng đình trệ và suy thoái ở các nước phát triển rất có thể sẽ xảy đến ngay trong giai đoạn 2019-2020, trước hết là tại Mỹ và các nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu. Kể từ đầu năm 2019 tới nay, cả 2 yếu tố chính phản ánh thực trạng của nền kinh tế Mỹ là hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp và tỷ lệ việc làm đều đã suy giảm.
Bất lợi tại các nước phát triển dẫn đến xu hướng suy giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu Nga. Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến hoạt động sản xuất ở 2 nước này bị đình trệ, từ đó gây ảnh hưởng đến cả những đối tác trong chuỗi công nghệ, trong đó có Nga.
![]() |
Kinh tế Nga sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn |
Không những vậy, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khơi mào cuộc khủng hoảng tại các nước đang phát triển và có thể tạo ra một làn sóng dịch chuyển vốn trên toàn cầu, trong đó nguy cơ lớn nhất sẽ rơi vào những nước kém phát triển về tài chính và những nước công nghiệp mới có tỷ lệ vay nợ cao. Theo đó, những bất ổn toàn cầu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến các kế hoạch đầu tư vào Nga, thậm chí việc đồng ruble giảm giá nhẹ cũng sẽ kiềm chế mức thu nhập thực tế của người dân cũng như sức tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh nguy cơ đến từ cuộc chiến thương mại, thì giá dầu biến động mạnh trong thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga. Mặc dù giá dầu hiện đã lấy lại đà tăng sau chuỗi giảm giá kéo dài trong tháng 5, tuy nhiên các nhà phân tích vẫn cảnh báo nếu giá dầu giảm xuống dưới 50 USD/thùng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu nhập từ dầu mỏ của nước này và có thể kéo tăng trưởng kinh tế tiếp tục sụt giảm thêm khoảng từ 0,2 - 0,3%.
Bên cạnh những sức ép đến từ môi trường bên ngoài, môi trường vĩ mô trong nước cũng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là việc điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng từ mức 18% lên 20% ở Nga trong năm 2019 sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, để giảm bớt rủi ro từ sức ép lạm phát gia tăng, Ngân hàng Trung ương Nga có thể thực hiện các biện pháp thắt chặt CSTT, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới các động lực kinh tế và tăng trưởng tín dụng trong năm 2019.
Như vậy, nếu dự báo của AKRA trở thành hiện thực, Nga sẽ phải dùng đầu tư trong nước, trước hết là thông qua các dự án quốc gia, để kích cầu. Không loại trừ khả năng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Nga sẽ phải mở quỹ dự trữ để đầu tư cho các dự án trong nước. Không những thế, lãnh đạo Trung tâm phân tích vĩ mô và dự báo ngắn hạn, ông Dmitry Belousov còn cho rằng, dù Nga có nguồn dự trữ ngoại hối bền vững, song không thể loại trừ khả năng cuộc khủng hoảng năm 2009-2010 sẽ lặp lại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, nếu Nga triển khai thành công và hiệu quả các sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ thì sẽ góp phần giúp tăng trưởng đầu tư trở lại trong trung hạn. Những sáng kiến này là một phần thuộc kế hoạch “Những ý tưởng và mục tiêu chiến lược về phát triển của Liên bang Nga tầm nhìn 2024” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố hồi đầu năm. Để thực hiện kế hoạch này, Moscow đã vạch rõ các bước đi, xúc tiến các siêu dự án và phát triển các định dạng đa phương với các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương nhằm tận dụng các cơ hội trong bối cảnh vai trò của Mỹ tại khu vực này đang bị suy giảm.
Bên cạnh đó, Nga cũng chủ trương tăng cường quan hệ kinh tế, thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, Nga tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước thành viên trong EU, bất chấp các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Moscow. Ngoài ra, Nga cũng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các dự án năng lượng, hai bên đang xem xét sử dụng đồng rouble và đồng Nhân dân tệ cho các giao dịch thương mại thay vì đồng USD. Nga còn hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực năng lượng, khí hóa lỏng, kỹ thuật số, cáp viễn thông ngầm tốc độ cao. Đồng thời, Moscow cũng hợp tác với Ấn Độ trong các lĩnh vực dầu khí, hạ tầng vận tải, công nghệ dược phẩm, chế tạo máy bay, xe hơi, ngành kim cương, nông nghiệp, giao thông và hạt nhân dân sự.
Với những bước kế hoạch triển khai như vậy, WB cho rằng, nếu các dự án quốc gia của Nga được triển khai hiệu quả, chúng sẽ giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này, nhưng những kết quả sẽ phát huy rõ rệt hơn trong giai đoạn sau năm 2021, trong khi đó trong ngắn hạn kinh tế Nga sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong tăng trưởng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-nga-co-the-suy-giam-trong-ngan-han-89288.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.