Chính sách tiền tệ: Cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được

Đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt của chính sách tiền tệ (CSTT) thời gian vừa qua, các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngân hàng cho rằng điều hành CSTT đã góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM), kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng. Dưới đây là ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngân hàng về vấn đề này.
Lạm phát kỳ vọng
"Chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát"
Chính sách tiền tệ: Cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được
TS. Trần Hoàng Ngân

TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội:

CSTT trong thời gian vừa qua đã được điều hành một cách rất chủ động, linh hoạt và đạt được những mục tiêu đề ra. Cụ thể, để đo lường một CSTT hiệu quả thì phải đạt được các mục tiêu: Góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm; góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tiền tệ, nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam; đảm bảo được an toàn của hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại 3 năm vừa qua, KTVM ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, niềm tin vào tiền đồng Việt Nam tăng trong khi tình trạng đôla hóa ngày càng giảm. Trong khi đó, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 6,7%. Đáng chú ý là hiệu quả sử dụng vốn ngày càng tốt lên. Như với tăng trưởng tín dụng năm 2018 chỉ 14% nhưng chúng ta có được mức tăng trưởng GDP là tới 7,08%.

Như vậy, cứ hai đồng tăng tín dụng thì đã tạo ra một đồng tăng trưởng kinh tế. Đây là điểm rất là tốt vì từ trước đến nay, thường cứ phải ba - bốn đồng vốn tín dụng thì mới có được một đồng tăng trưởng kinh tế. Do đó, đây là một điểm rất tích cực, cho thấy chất lượng tín dụng cải thiện.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đo lường khác cũng cho thấy chất lượng tín dụng tăng. Đơn cử, quá trình xử lý nợ xấu đang tiếp tục được tiến hành và nợ xấu có xu hướng giảm nhanh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng hiện chỉ còn khoảng 2%, đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài ra, cơ cấu dư nợ hiện nay cũng được điều chỉnh theo hướng tích cực, giảm chảy vào những khu vực nhạy cảm, rủi ro cao trong khi hướng nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, vấn đề tỷ giá luôn là bài toán phức tạp không chỉ với Việt Nam mà với cả các nước khác, bởi nó chịu tác động bởi nhiều chính sách không chỉ trong nước mà còn từ bên ngoài. Thế nhưng điều hành tỷ giá của chúng ta thời gian qua hết sức linh hoạt và khôn khéo, theo hướng ổn định tiền tệ, hỗ trợ được xuất khẩu, hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình căng thẳng thương mại ngày càng leo thang hay trước những thông tin từ việc Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách theo dõi thì chúng ta cũng phải tiếp tục điều hành một cách thận trọng để tạo thuận lợi cho kinh tế Việt Nam.

Về vấn đề lãi suất, tôi cho rằng cần giữ ổn định như hiện nay và tiếp tục theo dõi để chúng ta có một sự điều hành thích hợp. Tóm lại, CSTT cần tiếp tục kiên định mục tiêu là ưu tiên cho ổn định KTVM, kiểm soát lạm phát và điều hành chủ động, linh hoạt theo những kinh nghiệm mà chúng ta đã thành công trong 3 năm qua.

Chính sách tiền tệ: Cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được
Điều hành CSTT đã góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu đề ra
Chính sách tiền tệ: Cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được
Ông Phạm Hồng Hải

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:

Nếu nhìn lại cả giai đoạn dài vài năm qua sẽ thấy rất rõ CSTT rất đúng hướng và mang lại nhiều thành quả. Lạm phát được kéo xuống, lãi suất được kéo xuống, thị trường ngoại hối ổn định, loại bỏ được những tác động của vàng... Một trong những điểm ấn tượng trong vài năm trở lại đây là định hướng giảm dần TTTD xuống. Đây là vấn đề mà nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm luôn quan ngại trước đây, vì cho rằng TTTD của Việt Nam quá cao.

Cùng với chủ trương đó, TTTD trong những năm gần đây đều giảm xuống, đặc biệt như năm 2018 vừa qua và TTTD định hướng sẽ tiếp tục thấp trong năm nay và các năm tới. Và điều này sẽ góp phần dẫn đến chất lượng tín dụng tốt lên.

Bởi khi trần TTTD thấp hơn thì bản thân các ngân hàng phải cân đong đo đếm kỹ hơn trong cho vay ra, tránh được tình trạng “vung tay quá trán” như trước. Ví dụ, một ngân hàng chỉ được TTTD ở mức 13% trong khi có rất nhiều khách hàng muốn vay thì ngân sẽ phải tính toán rất kỹ để vốn cho vay mang lại hiệu quả. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng bây giờ cũng nhận thấy rằng, tăng trưởng dựa vào tín dụng không còn là con đường duy nhất mà phải dựa cung cấp các dịch vụ đa dạng để mang lại nguồn thu và lợi nhuận.

Thực tế thời gian qua đã có những ngân hàng mà TTTD không tăng nhiều, nhưng lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt. Thì đó là sự chuyển dịch rất rõ của các ngân hàng và tôi cho rằng, chính TTTD thấp xuống cũng là một yếu tố làm thay đổi hành vi của ngân hàng. Nên định hướng giảm TTTD xuống là đúng.

Về mặt bằng lãi suất hiện nay, tôi cho rằng đang ở mức chấp nhận được. Tất nhiên, nhìn ở góc độ DN thì vẫn sẽ có những DN phàn nàn là lãi suất vay còn cao. Nhưng cũng không nên căn cứ vào điều đó để tổng quát hóa cả thị trường. Bởi với các DN có sức khỏe tốt hiện nay, lãi suất cho vay hiện ở mức rất phù hợp. Dư địa để giảm lãi suất hiện nay không nhiều (nếu có chỉ với các kỳ hạn ngắn và trong trường hợp tới đây Fed có thể bắt đầu lộ trình giảm lãi suất, cũng như thị trường ngoại hối trên toàn cầu không có biến động quá lớn), bởi hiện lạm phát của Việt Nam đang ở khoảng 4% năm, nên lãi suất tiền gửi phải trên mức đó và lãi suất cho vay tất nhiên còn phải trên mức đó nữa. Bên cạnh đó, một thực tế nữa là tâm lý của thị trường vẫn yếu. Do đó, nếu cố ép lãi suất xuống thì mình sẽ chịu áp lực lên tỷ giá ngay.

Về vấn đề tỷ giá thì tôi không thấy quan ngại nhiều (tất nhiên ở đây phải loại bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu bởi nếu điều đó xảy ra thì ai cũng “ốm” hết). Lý do là bởi về mặt thực lực của mình đang tốt hơn rất nhiều: Dự trữ ngoại hối tốt hơn; vẫn có thặng dư thương mại; đầu tư nước ngoài vẫn chảy vào và cả phần đóng góp của kiều hối… Những yếu tố như vậy sẽ thuận cho KTVM cũng như thuận cho vấn đề tỷ giá.

Hơn nữa, với cách thức điều hành tỷ giá trung tâm, giờ đây mọi người đã rất quen với việc tỷ giá biến động lên xuống hàng ngày, không còn lo ngại “một năm đôi lần” biến động mạnh như trong quá khứ.

Vì vậy, tôi cho rằng chính sách như hiện nay là tốt rồi. Tức là trong ngắn hạn, những chính sách và biện pháp chúng ta đang làm là ổn. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, vấn đề phát triển thị trường vốn, phát triển các sản phẩm quản trị rủi ro, mô hình quản trị chuyên nghiệp… cần phải được triển khai. Những vấn đề này chúng ta đã nói rất nhiều rồi nhưng mà chưa thực hiện được bao nhiêu. Nếu không bắt tay vào làm thì đến lúc không may xảy ra khủng hoảng, hậu quả sẽ rất lớn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chinh-sach-tien-te-can-tiep-tuc-phat-huy-nhung-thanh-qua-dat-duoc-88732.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.