Ai cũng có một góc thân thương nơi quê nhà. Và có lẽ, với tôi, góc thân thương ấy là chiếc ao ngay trước cửa nhà, cạnh ngôi vườn cây ăn trái xum xuê. Linh hồn của chiếc ao nhà không chỉ là cái cầu ao, mà là tiếng ếch. Tiếng ếch trong đêm trăng gợi những vẻ đẹp bình dị miền quê. Nhưng thú vị hơn, là vào dịp này, khi chuẩn bị bước sang hè, tiếng ếch dưới trăng thanh vắng đã điểm tô cho cuộc đời thêm thi vị. Cha tôi vẫn nói, tiếng ếch là tài sản của chiếc ao, là người bạn của cha khi ngắm trăng chuyển từ xuân sang hè. Trăng lúc này không quá sáng, nhưng đủ soi cho chiếc cầu tre vẫn nâng niu bàn chân cả gia đình, những thiếu nữ hàng xóm đến giặt giũ, rửa chân…
![]() |
Tiếng ếch gọi mùa |
Tôi thi thoảng vẫn về chốn thân thương ấy. Có khi chỉ là để tìm lại vẻ đẹp của một thời ấu thơ. Có khi chỉ để nghe tiếng, cùng cha soi ếch, tóm lấy vài chú hôm sau nấu món mướp. Cũng có khi để nghe cha tâm sự, nói chuyện với cha về nhân tình thế thái. Hoặc ngẫu hứng, lại buông đôi câu thơ tha thẩn tìm cảm giác của thời thanh niên nhiều ước vọng.
Mà kể lạ lắm, cha tôi cứ như một nghệ sĩ thôn quê vậy, bao giờ cũng phải bài trí không gian sống cho thật tuyệt. Nhất là khu vực chiếc ao, ông bảo sống như thế gần gũi với thiên nhiên hơn, khỏe hơn, tốt hơn nhiều. Ví như chiếc ao rộng có một góc thả rau muống, một vuông bèo, giữa ao có bè hoa súng nhỏ. Cây cầu tre bao giờ ông cũng gia cố cho thật chắc chắn, để cả chục lượt người đến mỗi ngày đều an tâm không bị ngã. Đứng trên cầu, ngước mắt lên là giàn mướp lúc lỉu quả. Có thể với tay là hái được. Dưới gốc cây bưởi ngay sát cầu ao, ông cũng kê cái bàn đá nhỏ, có vài chiếc ghế con con. Đêm nào mất ngủ, ông lại trở dậy pha trà, ngồi lặng yên trong không gian đó mà ngóng tiếng ếch kêu.
Những ngày chớm hạ, ếch kêu báo hiệu mở màn cho những trận mưa rào, nhẹ thôi, nhưng thúc giục cây cối tốt tươi. Tiếng ồm ộp ếch kêu cũng có khi gợi lên tiếng sấm đầu mùa, giục lúa trổ đòng thơm thơm cánh đồng quê. Tiếng ếch kêu ban đêm râm ran như tiếng đứa trẻ tập đàn nhạc. Nghe thật thích. Vào những đêm như thế, cha tôi “lãng mạn” hơn thường, là bảo đứa cháu thức khuya một chút, gõ đàn cho ông nghe. Tuy không thể làm tiếng ếch và tiếng đàn hòa hợp vào nhau, bởi đàn ở trong nhà, ếch ngoài ao. Nhưng tôi biết, cha có một cảm giác an tâm, một sự giải trí thư thái theo cách của ông, kèm theo những triết lý mà tôi khó lòng hiểu được.
Không cần nhắc lại cha tôi là một người bắt ếch cừ khôi, độ những cánh đồng thênh thang rất nhiều ếch sau mỗi trận mưa rào nhẹ. Không cần nhắc rằng, các chú của tôi cũng có những năm tháng soi ếch kiếm tiền, kiếm thức ăn cho cả nhà. Và trong ký ức của tuổi thơ, tôi không cần phải mất công hồi tưởng, thì những tiếng ếch năm xưa cũng ùa về… Giờ còn rất ít ếch đồng, do thuốc sâu, do quá trình đô thị hóa, do sự khai thác triệt để của con người. Những người bắt ếch xưa cũng chỉ ngậm ngùi nhớ nghề. Sau rất nhiều ngày tháng, tôi mới hiểu tiếng ếch nơi chiếc ao trở thành một thứ tài sản của cha. Cha đã bảo vệ chúng, và dù có bắt, thì vẫn phải giúp cho quá trình sinh sản của chúng được tốt hơn. Như thế, đàn ếch không thuyên giảm, mà thậm chí còn tăng theo từng năm.
Tôi học được ở cha cách sống gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên xanh, với những gì giản dị. Tốc độ đô thị hóa đã phá vỡ rất nhiều thứ, cuộc sống hiện đại đã làm mất rất nhiều vẻ đẹp thôn quê. Thì trong thế giới của cha, chúng vẫn vẹn nguyên, hay đúng hơn sự đô thị hóa chỉ dừng ở cổng nhà tôi. Cha tôi coi đó là thứ tài sản, một thứ dành lại cho các con, ngoài những bài học. Cha muốn chúng tôi trân trọng những gì nhỏ bé nhất, kể cả một tiếng ếch.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vang-nghe-tieng-ech-88641.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.