Trong thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ, nghệ thuật truyền thống, trong đó có sân khấu vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển. Đặc biệt, nhiều tác phẩm sân khấu về chiến tranh chất lượng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn hiện diện và đồng hành trong đời sống tinh thần của người Việt.
Thời gian qua, đề tài chiến tranh nhìn từ góc độ sáng tạo nghệ thuật được giới làm nghề xác định rất cần thiết và vô cùng quan trọng trong đời sống đương đại. Hoài niệm và tôn vinh quá khứ oanh liệt bởi với mỗi con người Việt Nam hôm nay thì cuộc chiến tranh giữ nước cùng những giá trị cao đẹp của nó đã trở thành căn cước đảm bảo cho hành trình vào tương lai. Lựa chọn đề tài chiến tranh để khai thác, sáng tác trong văn hóa nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng chính là việc làm góp phần khẳng định, lưu giữ và truyền bá những giá trị cao đẹp của chiến tranh Vệ quốc đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân của con người hôm nay đối với các thế hệ đã hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
![]() |
Cảnh trong vở kịch Đôi mắt - tác phẩm sân khấu đặc sắc về đề tài chiến tranh |
Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, sân khấu Việt nhiều năm trước đây và hiện tại đã có không ít vở diễn đặc sắc về đề tài chiến tranh. Đặc biệt là từ mảng đề tài này, một đội ngũ những nhà viết kịch mặc áo lính đã trưởng thành, tên tuổi của họ đến nay còn được đông đảo người dân nhắc nhớ và yêu mến như: Vũ Dũng Minh, Nguyễn Vượng, Hoài Giao, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Chu Nghi, Ngô Y Linh, Đào Hồng Cẩm... Hàng loạt tác phẩm sân khấu từ thời chiến đến thời bình được công diễn đã nhận được sự yêu mến của khán giả tiêu biểu như: Trận chiến đấu thầm lặng, Đâu có giặc là ta cứ đi, Người ven đô, Người vợ miền Nam, Nổi gió, Ngọn lửa, Bà mẹ và những đứa con, Tay súng dân quân, Em bé giao liên, Lưới thép, Một vùng trời; Sẵn sàng, Trang sổ tay chiến sĩ, Trận địa, Lửa hậu phương, Anh Trỗi, Tiền tuyến gọi...
Gần đây, dù bị bủa vây bởi các loại hình văn hóa giải trí thời đại mới nhưng sân khấu Việt vẫn có nhiều tác phẩm hay về đề tài chiến tranh. Tiêu biểu có vở diễn Khoảng trời con gái của tác giả Nguyễn Sĩ Ðại do các nghệ sĩ Nhà hát Dân ca Nghệ An, Trung tâm bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn gần đây. Được xây dựng theo hướng tích hợp để tận dụng có hiệu quả các thể loại nghệ thuật và phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng tối đa ngôn ngữ địa phương và những thủ pháp nghệ thuật ẩn kín đến mức giản dị, trong sáng nhất nên Khoảng trời con gái càng trở nên đặc sắc, cuốn hút người xem. Nhưng điểm ấn tượng nhất Khoảng trời con gái chính là đã tái hiện một thời chiến tranh khốc liệt và sự hy sinh quên mình của thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trong đó có 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Ðồng Lộc.
Bên cạnh đó, vở kịch Hoa lửa Truông Bồn (tác giả PGS-TS. Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn NSND Lê Hùng) đã đến với khán giả ba miền vừa qua cũng để lại ấn tượng khó phai với người xem. Hoa lửa Truông Bồn là một trong những vở diễn về đề tài chiến tranh được sáng tác gần đây, tập trung khắc họa hình tượng Tiểu đội 2 và các thành viên của Tiểu đội 2, Đại đội Thanh niên xung phong 317 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An ở thời khắc ác liệt, sinh tử nhất của cuộc chiến tranh năm xưa. Tác phẩm sân khấu này được dàn dựng công phu, có giá trị như những thước phim tư liệu lịch sử quý giá, tái hiện chân thực nhất về hình ảnh địa danh lịch sử Truông Bồn trong chiến tranh. Xem vở kịch này, khán giả hôm nay không khỏi tự hào, biết ơn các thế hệ đi trước đã lấy máu xương, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi thanh xuân giành và giữ độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Tại Hà Nội, khán giả trong và ngoài nước vừa được thưởng thức vở kịch Đôi mắt của tác giả Vũ Minh Dũng; NSND Tuấn Hải làm đạo diễn. Xuyên suốt 120 phút vở kịch Đôi mắt là tình yêu, sự hy sinh, lòng nhân ái, dũng cảm của con người Việt Nam, mà người xem có thể cảm nhận được qua từng nhân vật, từng phân cảnh. Xen kẽ những hình ảnh mưa bom bão đạn, cái chết rình rập là sự ngoan cường, tinh thần chiến đấu quả cảm, cùng với tình yêu, tình đồng chí, sự hy sinh. Tất cả những tình cảm cao đẹp ấy được phối hợp, hòa quyện, mang đến những cung bậc cảm xúc khó quên trong lòng người xem, khiến cho vở kịch chiến tranh mang đậm màu sắc nhân văn.
Ngoài ra, khán giả đã được thưởng thức nhiều vở kịch đỉnh cao về đề tài chiến tranh thời gian gần đây, như Ngôi nhà trong thành phố (tác giả Xuân Trình; NSND Lê Hùng đạo diễn), Những người con Hà Nội (kịch bản Phạm Văn Quý, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang), Lính trận (tác giả Chu Lai, đạo diễn NSND Anh Tú), Bão tố Trường Sơn (tác giả Trương Minh Phương)... Những tác phẩm sân khấu này chạm được vào trái tim, cảm xúc người xem bởi đã tái hiện những hình ảnh của một thời lửa đạn. Đó còn là những tác phẩm sân khấu cho thấy con người trong chiến tranh, những mối quan hệ đa chiều giữa người ra trận và người ở lại, sự chia ly, lòng chung thủy cũng như toàn bộ chiều sâu tinh thần của người lính, người mẹ, người vợ, người con trong chiến tranh… được nhận diện một cách nghiêm túc với thái độ trân trọng của người nghệ sĩ.
Với cách tiếp cận như vậy, quá khứ được hiện ra trong đời sống hiện tại sinh động, giàu sức thuyết phục, làm rung động lòng người bằng những cảm xúc chân thành. Đó cũng chính là sức hút của nghệ thuật sân khấu về đề tài chiến tranh đã, đang đồng hành cùng thời cuộc.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/de-tai-chien-tranh-mot-mach-nguon-cua-san-khau-viet-88595.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.