![]() | Giằng co chính sách lao động thời hội nhập |
![]() | Việt Nam đón dòng đầu tư dịch chuyển |
Dù DN và người nông dân trồng mía đã dốc sức để nâng cao năng lực cạnh tranh, song với xu hướng bảo hộ và trợ giá cho ngành mía đường của các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan - đối thủ lớn nhất của mía đường Việt Nam, ngành mía vốn đã lao đao do phải cạnh tranh không cân sức hơn chục năm qua, nay lại tiếp tục đối diện nguy cơ “vỡ trận” sau khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
![]() |
Mía đường đối mặt với nguy cơ vỡ trận khi áp dụng ATIGA |
Khi luật chơi không được tôn trọng
Tại Công văn mới nhất gửi tới Thủ tướng Chính phủ hôm 24/5 vừa qua, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phác thảo bức tranh không mấy tươi sáng của ngành với 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu; một số nhà máy phải tạm dừng hoặc có thể phá sản vào cuối năm 2019 và trong năm 2020; hộ trồng mía khốn đốn, diện tích mía nguyên liệu giảm từ 30-60% tổng diện tích… “Đây sẽ là khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng của ngành nông nghiệp”, Hiệp hội Mía đường nhấn mạnh.
Theo hiệp hội, nguyên nhân gây ra khó khăn trầm trọng tập trung ở việc đối tác chính trong ngành mía đường ASEAN là Thái Lan đã gian lận thương mại ở quy mô quốc tế. Cùng với việc vi phạm pháp luật kéo dài của hệ thống buôn lậu và gian lận thương mại, “cách chơi” thiếu sòng phẳng của Thái Lan càng gây hậu quả nghiêm trọng hơn đối với ngành mía đường Việt Nam.
Báo cáo của Liên minh Mía đường Hoa Kỳ năm 2015 cho thấy, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỷ USD/năm. Trong đó khoảng trên 775 triệu USD được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua hệ thống bình ổn giá đường, tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm. Khoảng 500 triệu USD được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và khoản trợ cấp đầu vào như tất cả ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp Thái Lan.
Trên thực tế, Brazil và Úc gần đây đã liên minh với EU để chất vấn về tính hợp pháp của hệ thống hạn ngạch, trợ cấp đường của Thái Lan có phù hợp với các quy định do WTO đặt ra hay không. Vào tháng 4/2016, Brazil đã chính thức đệ đơn khiếu kiện ngành mía đường Thái Lan ra WTO. Đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các hành động bảo hộ của Thái Lan với ngành mía đường đã được nhìn nhận ở tầm quốc tế.
Mía đường trong nước đã vượt khó thành công
Trong khi đó, ngành mía đường Việt Nam thực chất đã vươn lên đạt năng lực sản xuất tiệm cận thế giới, trong khi thiên nhiên không hề ưu đãi cho ngành này. Xuất phát điểm khó khăn và hoàn cảnh bất khả thi về cơ giới hoá, công nghiệp hoá toàn diện là thế nhưng năng suất mía của người nông dân Việt Nam đạt bình quân 65 tấn/ha so với 68-70 tấn/ha của Thái Lan là rất đáng ghi nhận và khen ngợi. Cây mía trở thành một cây trồng xoá đói giảm nghèo tại nhiều địa phương đặc biệt khó khăn, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, chỉ trông chờ vào “nước trời”.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định, 10 năm qua ngành mía đường đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng để cải tiến máy móc công nghệ nhằm đón đầu hội nhập. Đến nay, hầu hết các nhà máy đường trong nước đều có nền tảng công nghệ, kỹ thuật tự động và đạt tầm quốc tế.
“Nói ngành mía đường Việt Nam yếu kém, nhưng trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, giá đường của chúng ta cạnh tranh hơn tất cả các quốc gia, trừ Thái Lan. Và nhìn rộng ra tầm thế giới, chúng ta cũng chỉ thua các cường quốc về mía đường như Brazil do họ có quá nhiều điều kiện tự nhiên ưu đãi”, ông Lê Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Cần Thơ so sánh.
Trong bối cảnh như vậy, nếu thực hiện loại bỏ hạn ngạch thuế quan để thực thi ATIGA, đồng nghĩa với việc ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của Thái Lan. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá xổ. Thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu, đặc biệt từ Thái Lan.
Ông K.V.S.R. Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết, đến năm 2019, chưa có quốc gia nào thực sự hội nhập sâu và toàn diện. Họ vẫn có chính sách để kiểm soát và hỗ trợ các ngành sản xuất quan trọng trong nước. “Tại sao chúng ta phải vội vàng như vậy để đến năm 2020 với ATIGA lại tiếp tục mở cửa rộng hơn nữa?”, ông đặt câu hỏi.
Trước tình thế này, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng nhất định phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực thi ATIGA đến ngành mía đường nói riêng và các ngành hàng khác trên quy mô toàn quốc. Cho đến nay, đã có nhiều cảnh báo cần đánh giá lại tác động của hội nhập đến sự phát triển của các ngành sản xuất, bởi hội nhập chưa chắc đã mang lại nhiều thành quả tích cực cho nền kinh tế nếu các quốc gia không thực thi chính sách sòng phẳng như Việt Nam. Câu chuyện đang diễn ra ở ngành mía đường chính là một trường hợp điển hình minh chứng cho vấn đề này.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phia-ben-kia-thien-duong-hoi-nhap-nhin-tu-nganh-mia-duong-88416.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.