Vẽ dưới mưa bom bão đạn
Làng hội họa đã điểm danh các họa sĩ vẽ ở trong chiến trường, dưới mưa bom bão đạn, nguy hiểm, song họ vẫn cố gắng sáng tạo để có những tác phẩm ưng ý nhất. Đó là các họa sĩ Đức Dụ, Hoàng Đình Tài, Phạm Ngọc Liệu, Thanh Châu, Lê Trí Dũng… Một số họa sĩ này đã cùng tổ chức Triển lãm tranh và ký họa Ký ức đường Trường Sơn, kéo dài từ 26/4 đến 26/5/2019, nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
![]() |
Chiến sĩ Trường Sơn 3, 1969 - Màu nước trên giấy, 13,5 x 10 cm - Họa sĩ Chu Thảo |
Nhiều họa sĩ cho rằng, ký họa có điểm mạnh là nhanh, cập nhật người thực, cảnh thực, nóng hổi như một loại báo chí. Ký họa có tính hiện thực nên ngoài nghệ thuật, nó còn có tính thông tin, giáo dục, đồng thời có khả năng lưu giữ những hình ảnh, thông tin rất tốt. Là người tâm huyết với triển lãm, cũng là người lính nhiều năm chiến đấu, vẽ tranh nơi chiến trường, Lê Trí Dũng: “Để vẽ được, ngoài lòng say hội họa còn là tình yêu nước. Yêu nước nên trong gian khổ, sự xuất thần, tinh tế cũng xuất hiện ở nhiều bức tranh”. Rồi ông nhấn mạnh thêm: Những bức ký họa chiến tranh và những bức ký họa ở đường Trường Sơn đều có cái giá của sinh tử, của mạng sống. Cho nên đã hơn một nửa thế kỷ nhưng khi xem vẫn cảm thấy sống động, và như “nghe” thấy tiếng đạn bom.
Trong số các họa sĩ vẽ ký họa Trường Sơn, Đức Dụ là người vẽ nhiều nhất, với 400 bức. Ông được coi là người ghi nhật ký chiến trường bằng tranh. Tìm hiểu, Đức Dụ có gần 10 năm trực tiếp vẽ trong chiến trường, nơi bom đạn ác liệt. Ông họa sĩ cầm từng bức ký họa lên giới thiệu, vừa tâm sự: “Nhắc đến chiến trường Trường Sơn là người ta hình dung ra máu lửa, chết chóc, bom đạn. Tôi và những người đồng đội chỉ cần nhìn lại những bức tranh này, là hình dung ra nó được vẽ ở đâu, về vùng đất nào và quang cảnh khi đó. Thực sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi may mắn có được”.
Năm 1965, quân đội Mỹ đưa quân vào miền Nam, những chàng thanh niên trẻ như Đức Dụ hăng hái lên đường nhập ngũ. Đức Dụ trở thành người lính mở đường Trường Sơn ở miền tây Thừa Thiên- Huế. Thấy Đức Dụ say mê vẽ về những sự kiện quan sát được ở tuyến đường, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn tạo điều kiện để ông được vẽ về đồng bào và các sự kiện trong cuộc kháng chiến để phục vụ tuyên truyền. Từ đó bước chân Đức Dụ đi trên nhiều nẻo đường Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn. Vốn chỉ có năng khiếu và chưa được học cơ bản về hội họa, nhưng Đức Dụ đã khắc họa được không khí sôi động của dân và quân ta bằng màu sắc, càng tăng khí thế đánh giặc.
Họa sĩ Đức Dụ kể rằng, ngày ấy trên Trường Sơn, không khí mở đường vô cùng sôi nổi, khẩn trương. Là người trẻ tuổi hăng hái, ông say sưa vẽ cảnh các trọng điểm, đất đá, cây đổ ngổn ngang, cháy trụi mà đoàn xe của quân đội ta vẫn xuất kích, hướng về phía Nam của Tổ quốc. Trung đoàn 5 Công binh cử Đức Dụ vào các binh trạm làm tuyên truyền. Độ đó, binh trạm 42 bị địch đánh phá ác liệt, vì chúng biết đây là nơi chi viện cho thành cổ Quảng Trị. Ở các binh trạm này, ông thường viết tin nội bộ để tuyên truyền, đồng thời vẽ minh họa cho bài viết để lưu hành nội bộ.
Năm 1968 Đức Dụ được cử chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Nơi đâu ông cũng thấy cảnh chiến tranh, mất mát, đau khổ và hy vọng ngày thống nhất đất nước. Cho nên ông vẽ đầy chất lính, nhưng gắn với tranh là cái tâm. Đúng như một họa sĩ nổi tiếng đã nói cái tâm điều khiển được màu sắc. Đức Dụ vẽ được khá nhiều tranh với nhiều ghi chép về màu thật của cảnh với những chi tiết cụ thể bằng tâm hồn người chiến sĩ.
![]() |
Đường Trường Sơn, tranh của Đức Dụ |
Để nhớ mãi một thời
Tinh thần những người lính, thanh niên xung phong trong những năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thật anh dũng. Những bức tranh là những hiện vật, tư liệu quý còn giữ được, để nhắc nhớ về những ngày không thể nào quên. Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, người sở hữu 200 bức ký họa Trường Sơn cũng rất đỗi tự hào vì trong những năm tháng khói lửa, đã kịp thời phản ánh không khí chiến đấu bằng tranh. Trong 2 đợt đi thực tế (1971-1972), Phạm Ngọc Liệu đã sáng tác hơn 200 bức ký họa chiến trường, đặc biệt là những bức ký bên thành Quảng Trị, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải...
Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc chớp được một hình ảnh như: Những anh bộ đội cụ Hồ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cảnh tổ đài 2WW truyền thông tin, cảnh trao đổi tình hình chiến sự trong căn hầm chữ A… Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu bày tỏ: “Chiến tranh là phải khốc liệt. Nhưng hình ảnh những người lính với khuôn mặt trẻ trung, thông minh và gan dạ vừa được ghi lại trên trang vẽ chưa kịp khô mực đã vĩnh viễn ra đi đã ám ảnh tôi. Những con người này vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại, nợ các anh tôi không thể trả”.
Được các nhân chứng, họa sĩ tâm sự, chia sẻ, chúng tôi rưng rưng xúc động. Bởi ở hoàn cảnh như thế, để sống được và vẽ đã khó, giữ được những bức ký họa trong chiến tranh cũng là điều không hề đơn giản. Có lần, họa sĩ Huỳnh Phương Đông có kể rằng trong mỗi trận càn, ông phải cho tất cả các ký họa của mình vào hộp đạn AK chôn xuống đất, sau khi trận địa yên tiếng súng mới trở lại đào lên lấy lại tác phẩm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 80 họa sĩ đã hy sinh. Họ đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước. Hiện nay, có hàng ngàn ký họa đã được sưu tập ở nhiều bảo tàng. Những bộ sưu tập ký họa chiến trường đó là vô giá.
Đến bây giờ, nhiều họa sĩ vẫn vẽ về đề tài người lính, với cảm thức thời bình, khung cảnh thời bình. Như họa sĩ Lê Trí Dũng, cho rằng, vẽ để nhớ, để thêm yêu đất nước và những người lính, người đồng đội. Đường Trường Sơn huyền thoại mãi mãi biểu tượng cho tinh thần và sức mạnh Việt Nam. Đó là quãng thời gian mà muôn thế hệ sau sẽ vẫn khắc nhớ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ky-hoa-chien-truong-nhung-phac-hoa-lich-su-van-tuoi-roi-88120.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.