Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sứ mệnh đầu tàu của nền kinh tế

Làm việc với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cần thống nhất quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất; trung ương sẽ xem xét cơ chế chính sách đặc thù cho vùng để đảm nhiệm được sứ mệnh đầu tàu của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ: Sẽ có chủ trương sát hơn đối với Vùng KTTĐ phía Nam
Thiếu liên kết, các vùng kinh tế đang tự triệt tiêu lợi thế
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Sứ mệnh đầu tàu của nền kinh tế
TP. HCM - hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Điểm nghẽn hạ tầng giao thông

Từ năm 1997, Chính phủ có chủ trương chia các vùng kinh tế để liên kết phát triển thì đây là vùng kinh tế động lực của cả nước, là đầu tàu cả nước và khu vực, giữ vai trò đầu tàu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó, hạt nhân là TP.HCM, một trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính - thương mại - du lịch, đồng thời là trung tâm chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực cao, công nghệ logistics... Vùng KTTĐPN chỉ có 8/63 tỉnh, thành với dân số chiếm 21% và diện tích tự nhiên chiếm 9,2% cả nước, nhưng hàng năm đóng góp đến 45% GDP, thu ngân sách chiếm 42% số thu cả nước, xuất khẩu hàng năm trên 40% tổng kim ngạch cả nước.

Tuy nhiên các địa phương Vùng KTTĐPN cho rằng hạ tầng giao thông là vấn đề thách thức lớn trong phát triển kinh tế vì hiện nay thiếu vốn để đầu tư. “Đến lúc chúng ta phải xem lại đầu tư ngân sách cho vùng, TP.HCM thu 27% cho ngân sách nhưng chi chỉ bằng 5,2% ngân sách cả nước. Ước tính cả vùng chi khoảng 15% là không bền vững, khi mà đóng góp số thu đến 42%. Hậu quả là giao thông chỉ đầu tư bằng 10km đường/km² thì 50 năm nữa mới đủ đường đi…

Trung ương cần xem xét lại việc phân bổ ngân sách cho đầu tư một cách tương ứng, ít nhất cũng bằng 25%-30% ngân sách thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững trong tương lai. Chính phủ sớm hoàn thiện quy hoạch vùng (đất, nước, logistics); rà soát tiêu chí phân bổ ngân sách cho vùng, vùng đóng góp ngân sách cao thì phải tăng phân bổ ngân sách tương ứng để phát triển bền vững”, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM kiến nghị.

Đưa ví dụ cụ thể hơn về hạ tầng thiếu thốn, ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An cũng cho biết, Long An là cầu nối phát triển giữa 2 vùng (Long An thuộc Vùng KTTĐPN và cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), là nơi trung chuyển hàng hóa, nhưng giao thông luôn bị tắc nghẽn. Hai tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 50, quốc lộ 1 tắc nghẽn liên tục, dù đã có quy hoạch nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Ở góc độ nhà nghiên cứu, TS. Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho rằng, muốn phát triển vùng thì phải có đường cao tốc liên vùng, phải xây dựng hệ thống metro giao thông liên kết - nếu chỉ từng tỉnh thì sẽ không bao giờ phát triển được. Vì thế, cần tập trung giải quyết giao thông và phải có sự phân chia rõ ràng, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm có lộ trình đối với công trình giao thông quốc gia, các tỉnh cùng ngồi lại để tính toán phương án đối với giao thông liên vùng.

Hơn thế, phải có một bộ phận chuyên trách tham mưu cho lãnh đạo điều phối vùng thì mới có việc để làm và mới giải quyết vấn đề vùng một cách tổng thể và từng bước phát triển. Cũng vậy PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Vùng KTTĐPN cần có một cơ chế được vận hành độc lập để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo trong việc phát triển vùng.

Phải thành lập Ban điều phối

Đồng tình với ý kiến lãnh đạo các địa phương, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải thừa nhận giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế phát triển theo đến đó và hiện nay giao thông chính là điểm nghẽn lớn nhất của khu vực. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giao thông đưa ra những dự án giao thông đang thực hiện chỉ mới dừng lại ở quy hoạch.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải đang quy hoạch xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất đủ sức đón 50 triệu khách/năm. Sân bay Long Thành đang khẩn trương chuẩn bị tháng 10 báo cáo nếu Quốc hội thống nhất thì đầu năm 2021 triển khai xây dựng. Các dự án đường thủy nội địa đang được nghiên cứu đưa vào đầu tư bằng vốn ODA. Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang nghiên cứu xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao, đường từ TP.HCM về Cần Thơ, đường trên cao trong nội ô, các tuyến vành đai 3, 4...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận việc chưa có người điều phối vốn, nên ngay cả việc kết nối hạ tầng giao thông cũng chưa phát huy hết lợi thế sẵn có của vùng. Chẳng hạn, trong khi các cảng của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM đã quá tải thì cảng Cái Mép Thị Vải đến giờ chỉ khai thác được 50% công suất thiết kế. Việc kết nối đầu tư còn rời rạc, thu hút đầu tư thiếu đồng bộ, đầu tư trùng lắp, chưa hỗ trợ dự án liên kết vùng...

Đánh giá cao những kết quả của các địa phương Vùng KTTĐPN đã đạt được, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cơ chế chính sách cho phát triển chưa đột phá, chưa rõ về quyền lợi, trách nhiệm; sự liên kết manh mún, mạnh ai nấy làm, cạnh tranh hạn chế lẫn nhau, kết nối chiến lược quy hoạch còn nhiều bất cập, trùng lặp.

“Để phát triển liên kết vùng, từ nay đến năm 2020 phải thành lập ban điều phối. Cần thống nhất quan điểm để liên kết các tỉnh khác ở phía Nam một cách thống nhất. Gắn kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư, đào tạo, giải quyết việc làm, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghiệp chế biến, chế tạo. Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải đẩy mạnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, theo hướng tháo gỡ quy hoạch, phân cấp mạnh mẽ. Bộ Tài chính phải xây dựng chính sách xây dựng phân bổ ngân sách cho phù hợp với đóng góp của địa phương. Bộ Giao thông - Vận tải phải tập trung đầu tư giao thông tổng thể phát triển hạ tầng, đảm bảo công khai, minh bạch hấp dẫn cho nhà đầu tư; khởi công cho được sân bay Long Thành trong nhiệm kỳ này; hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Bộ Công thương phải xây dựng phát triển logistics, phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng đô thị thông minh...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam-su-menh-dau-tau-cua-nen-kinh-te-87593.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.