Cung ứng vốn: Lợi ích - trách nhiệm

Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 - sự kiện lớn nhất tuần qua  không chỉ bởi quy mô quốc gia, quốc tế mà còn bởi diễn đàn đã đề cập đến những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay: Du lịch, kinh tế số, CPTPP, vốn - tài chính, nông nghiệp, khởi nghiệp. 
Mất cân đối giữa các kênh cung ứng vốn
Nỗ lực cung ứng vốn, đẩy lùi tín dụng đen

Đồng chủ trì phiên thảo luận Hiến kế Tài chính - Tín dụng, chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đặc biệt là DNNVV, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: ngành Ngân hàng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh, đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế…

Cung ứng vốn: Lợi ích - trách nhiệm
Ảnh minh họa

Điều kiện ở đây là cả về hành lang pháp lý và những chương trình, hành động cụ thể cả trên tổng thể, đến từng đối tượng khách hàng, thậm chí từng trường hợp doanh nghiệp. Đó là điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN nhằm đảm bảo thanh khoản cho TCTD, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hay chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được các TCTD triển khai rộng khắp nhiều năm qua. DNNVV luôn là đối tượng khách hàng ưu tiên của ngân hàng.

Thậm chí qua các buổi tiếp xúc ngân hàng - doanh nghiệp, những khúc mắc cụ thể của doanh nghiệp với NHTM đã được NHNN giải đáp, tháo gỡ thỏa đáng. Cùng với đó các NHTM đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng...

Có thể nói ngành Ngân hàng đã, đang làm hết sức mình, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vai trò trụ cột của nền kinh tế. Song, phải thừa nhận một thực tế là “tấm huân chương nào cũng có hai mặt”. “Nặng gánh” vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng đã, đang đặt các ngân hàng vào thế tiến thoái lưỡng nan. Ngành Ngân hàng không thể không thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ: góp phần chăm lo phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; cùng với khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể làm nòng cốt để đảm bảo xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế…

Tuy nhiên, việc vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, đẩy tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 50,6% tổng dư nợ, khiến rủi ro cho TCTD càng tăng. Trong khi đó, để phát triển bền vững và theo xu hướng chung của thị trường tài chính – ngân hàng thế giới thì tín dụng trung, dài hạn chỉ nên chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.

Bởi vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới ngành Ngân hàng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nhanh, bền vững các phân đoạn thị trường tài chính, tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân huy động vốn trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy thị trường chứng khoán phái sinh để thị trường vốn trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế…

Phát triển thị trường vốn không thể thành công trong ngày một, ngày hai. Ngoài chủ trương thì cần có quyết sách mạnh, cụ thể cho từng đối tượng tham gia thị trường để họ thấy được cả lợi ích và trách nhiệm trong việc phát triển thị trường vốn. Và nếu chỉ các bộ, ngành lo, trong khi bản thân doanh nghiệp không thay đổi, không muốn giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng thì tình trạng mất cân đối giữa các kênh cung ứng vốn vẫn sẽ tiếp diễn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cung-ung-von-loi-ich-trach-nhiem-87523.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.