Rung cảm mãnh liệt với những gì tốt đẹp

Nhiều nhà văn, nhạc sĩ ngày nay rất đa tài. Nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo chiến trường Phạm Việt Long là một trong số đó...

Dù tuổi đã khá cao, ông vẫn khiến bạn văn, người yêu âm nhạc đi đến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Mới đây, ông đã hoàn thành cuốn sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông về những rung cảm mãnh liệt của một người yêu đất nước, yêu cuộc sống.

Rung cảm mãnh liệt với những gì tốt đẹp
Bìa cuốn Bê trọc

Là nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo, rồi làm lãnh đạo (Chánh văn phòng Bộ Văn hóa)… và ở thể loại nào ông cũng gặt hái thành công. Có vẻ trời cho ông quá nhiều?

Cảm ơn anh đã quan tâm theo dõi và có lời khen. Thực ra, tôi cũng chỉ thành công ở một mức độ hạn chế. Dù sao, cũng cảm ơn trời, cảm ơn cuộc sống đã giúp tôi làm được những việc hữu ích và có một vài tác phẩm được công chúng ghi nhận.

Cuốn tiểu thuyết tư liệu Bê Trọc với rất nhiều chất liệu sống phong phú và cảm động được tác giả kể lại với tư cách một người trong cuộc - một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã sống, làm việc và chiến đấu ở chiến trường khu V trong những năm 1968 - 1975, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta đang diễn ra vô cùng khốc liệt và kết thúc thắng lợi. Xin ông chia sẻ những ký ức về thời đó?

Đọng lại trong tôi là tình thương yêu: Tình yêu của nhân dân khu V, trong đó có Bình Định, đã dành cho tôi trong thời gian tôi hoạt động ở chiến trường khốc liệt, gian khổ. Đồng bào đã nuôi ăn, canh giặc, dẫn đường… để tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ của một phóng viên. Tình đồng chí, đồng nghiệp chân tình và thắm thiết. Những cán bộ lớp trước đã hướng dẫn tôi từ cách buộc gùi để cõng gạo, chăm nom lúc tôi ốm đau, hợp tác làm nghiệp vụ, cùng nhau vượt gian khổ sản xuất, gùi cõng, không quản hiểm nguy cùng tôi tới những nơi mũi nhọn của cuộc chiến tranh, qua đó có thực tế để viết.

Về tình yêu đôi lứa, tôi đã được đồng đội vun đắp để có hạnh phúc riêng tư, cưới vợ ngay trên chiến khu. Nhưng bao trùm lên tất cả, chúng tôi có tình yêu chung, là tình yêu đất nước, quê hương, con người; có nguyện vọng chung là đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Chính nhờ sức mạnh tổng hợp từ tình yêu thương ấy mà tôi đã vượt qua 7 năm chiến tranh, đi tới ngày toàn thắng của dân tộc và có vốn sống để viết nên “Bê trọc”.

Có nhà văn chia sẻ rằng, xã hội đã lãng quên các tác giả văn chương giai đoạn chiến tranh biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc. Ông có chia sẻ gì?

Do những điều kiện lịch sử, cuộc chiến tranh biên giới Tây - Nam, biên giới phía Bắc tới gần đây mới được xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tác phẩm viết về 2 cuộc chiến tranh này còn chưa nhiều và chưa đủ sức gây ấn tượng mạnh. Tôi tin rằng, với độ lùi thời gian, với lòng biết ơn sâu sắc những người đã quên thân mình bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian tới đây sẽ có những tác giả viết được những tác phẩm xứng đáng và sẽ được bạn đọc ghi nhớ.

Những năm gần đây, văn chương về đề tài chiến tranh đang có được sự quan tâm của độc giả. Ông có thể nói thêm về điều này, thưa ông?

Trên thực tế, tôi thấy một số tác phẩm viết về chiến tranh gần đây thành công của một số nhà văn như Trần Mai Hạnh, Chu Lai… Viết về đề tài chiến tranh rất khó, đòi hỏi người viết phải có sự hiểu biết sâu sắc về cuộc chiến, đặc biệt là hiểu biết về con người ở cả hai chiến tuyến, cho nên khi có một tác phẩm thành công là đáng mừng lắm. Đề tài về chiến tranh cần được quan tâm hơn nữa, đầu tư hơn nữa, nhất là đối với những nhà văn (hoặc người có khả năng viết văn) đã trải qua cuộc chiến.

Chúng ta có một kho tàng tư liệu văn học quý giá về 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, đó là nhật ký của những người đã tham gia (bộ đội, thanh niên xung phong, trí thức…). Tôi biết, vốn này đang được lưu giữ trong nhân dân khá nhiều nhưng chưa được quan tâm khai thác. Những cuốn sổ ghi chép, nhật ký thời chiến ấy lưu giữ nhiều giá trị, giúp thế hệ sau hiểu cuộc chiến một cách cụ thể, đặc biệt là tâm trạng, tình cảm, chiều sâu tâm lý của những con người tham gia cuộc chiến.

Nếu bỏ công và kinh phí khai thác để xuất bản, ta sẽ có những tác phẩm văn học không hư cấu chân thực, sinh động và mở ra một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà văn chuyên nghiệp nghiên cứu, bổ sung cho vốn hiểu của mình, từ đó sáng tạo tốt hơn.

Còn hiện nay với các nhà văn trẻ, ông thấy họ có “thiếu” nhiều thứ không?

Thực ra, không phải chỉ nhà văn trẻ, mà cả những người cao tuổi như chúng tôi, vẫn thiếu nhiều thứ lắm. Tài năng. Vốn sống. Khoảnh khắc thăng hoa nghệ thuật trời ban… Biết bao nhiêu cho đủ? Tuy nhiên, cũng phải thấy một thực tế rằng, lớp nhà văn trẻ cần tích lũy vốn sống hơn nữa thì viết mới chắc được. Để có vốn sống, lại phải sống cho ra sống, sống với tư cách người trong cuộc ở những mũi nhọn của cuộc sống trong tâm thế của người cống hiến, từ đó mới có điểm tựa vững chắc cho sáng tạo nghệ thuật.

Ông vừa xuất bản cuốn sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc”, viết về kho tàng ca khúc Việt Nam, cùng nhiều kỷ niệm với các nhạc sĩ, dường như ông có trong mình cả kho tàng những bức tranh đầy màu sắc về Tổ quốc. Xin ông cho biết thêm về tác phẩm mới này?

Cuốn sách “Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc” của tôi do NXB Dân trí ấn hành đầu năm nay, được viết theo dòng hồi ức của tác giả, từ thiếu thời tới khi tóc bạc, gắn với các giai đoạn lịch sử của đất nước, cùng với đó là những ca khúc đã đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Cuốn sách này giúp bạn đọc thêm hiểu về ca khúc Việt Nam và những đóng góp tích cực của nó trong việc hình thành nhân cách con người.

Do phần trích dẫn, tôi ghi đầy đủ nội dung một số ca khúc tiêu biểu cho nên các bạn có thể thấy hình ảnh lịch sử đất nước được hiện lên theo dòng ca khúc, khá sinh động và chính xác. Tôi rất mong các bạn trẻ đọc cuốn sách này để có thêm góc nhìn về âm nhạc và lịch sử.

Ông có chia sẻ mình chỉ viết trong vòng 2 tháng, với một cuốn sách gần 400 trang, cảm xúc của ông cứ đầy ứ trong từng trang viết?

Vâng, từ khi khởi thảo tới khi nộp bản thảo cho NXB, thời gian là 2 tháng tròn. Tôi vẫn có thói quen rất tập trung cho một việc nào đó trong một thời gian nào đó cho nên thường viết rất nhanh. Riêng với cuốn sách này, vì gắn với các kỷ niệm của chính tôi, cho nên viết đến đâu chữ hiện ra đến đấy để viết liên tục. Những kỷ niệm đẹp đẽ thuở thiếu thời trào dâng, hiện lên thành các trang viết khiến bản thân tôi cũng thấy bồi hồi.

Mỗi ca khúc ngày đó như những vitamin cho tâm hồn, ngân vang, đầy sáng tạo, sức kêu gọi; đầy sự nhuần nhị về tình yêu trong chiến tranh, ngày giải phóng và cả trong dựng xây đất nước. Vậy ông có lời khuyên gì cho các nhạc sĩ ngày nay?

Hiện nay, người ta nhấn mạnh chức năng giải trí của nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, và coi nhẹ chức năng giáo dục, thẩm mỹ. Thế hệ chúng tôi thưởng thức âm nhạc bằng khoái cảm nghệ thuật rất cao, qua đó được giáo dục, được định hướng thẩm mỹ, định hướng sống để sống tốt, sống có ích. Như vậy, thời đó chúng tôi vẫn được giải trí khi tiếp xúc với nghệ thuật.

Ngày nay, các nhạc sĩ cần có sự đồng tình của cả xã hội về việc coi trọng cả bốn chức năng của nghệ thuật, là nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí. Chỉ có như vậy thì mới có chỗ đứng cho các ca khúc được sáng tạo theo quan điểm này. Từ đó, cần sống với tình yêu cuộc sống dào dạt, khao khát cống hiến, có rung cảm mãnh liệt với những gì tốt đẹp để tạo ra tác phẩm có giá trị.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/rung-cam-manh-liet-voi-nhung-gi-tot-dep-87342.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.