Nếu tính từ năm 1982 khi có Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định “TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước”. Có thể thấy rằng sau hơn 20 năm, TP. Hồ Chí Minh đã có bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Cụ thể, nếu như thời điểm năm 1982, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố mới chỉ ở mức 2,18% thì sang đến giai đoạn 1982 - 1986 đã đạt mức 8,17%, đến năm 1995 đã tăng lên mức 15,3%. Thời kỳ 2001 - 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có mức tăng ổn định nhất, bình quân 11%/năm, và đã tạo đà cho bước phát triển trung bình 11,2%/năm vào giai đoạn 5 năm sau đó (2006-2010); cao hơn 1,2 lần tốc độ tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hơn 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
![]() |
Một trung tâm tài chính quốc tế đang hình thành bên sông Sài Gòn |
Năm 2018 tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng 8,3% so với năm 2017, tương đương với giá trị tuyệt đối 57 tỷ USD đóng góp hơn 23% vào kinh tế Việt Nam. Năm 2018 cũng là năm thứ ba liên tiếp TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng GRDP trên 8%. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, ngành có hàm lượng giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh liên tiếp tăng dần trong các năm qua. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% (có bốn ngành công nghiệp trọng yếu đạt mức tăng 9,2%); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 cũng đạt 7,07 tỷ USD, tăng hơn 7% so với năm 2017, chiếm 22% tổng thu hút FDI của cả nước… Tổng thu ngân sách năm 2018 của thành phố đạt 378,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2017, chiếm 27,2% tổng thu ngân sách cả nước.
Khép lại năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đề ra. Năm 2019, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước và vẫn để ngỏ khả năng có thể nâng tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, đồng nghĩa với việc TP. Hồ Chí Minh sẽ chiếm 1/4 quy mô kinh tế cả nước, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6%.
Theo đó TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2019 từ 8,3%-8,5%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%; diện tích nhà ở bình quân đạt gần 20m2/người... Phấn đấu liên tục thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội.
Các nhà kinh tế chính trị cho rằng, sự vươn lên mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh như một cách để bù đắp lại những mất mát trong những năm tháng chiến tranh, có một phần quan trọng do trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế thành phố đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Chẳng hạn, trong năm 2018 cơ cấu ngành kinh tế dịch vụ chiếm 62,4%, công nghiệp và xây dựng chiếm 22,9%, nông nghiệp và các khu vực khác chiếm 14,7%.
Trong sự phát triển chung của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh có những đóng góp rất quan trọng của hệ thống ngân hàng. Sau nhiều cột mốc đổi mới và hội nhập, ngành Ngân hàng thành phố đi đầu trong những việc đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, từng bước duy trì sự ổn định giá trị đồng tiền và tỷ giá, góp phần cải thiện kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua, dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp công lớn trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu; qua đó duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục của TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, nguồn vốn từ các TCTD đã hỗ trợ có hiệu quả trong tạo việc làm mới và thu hút lao động, góp phần cải thiện thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Thông qua nguồn vốn tín dụng cho các chương trình và dự án phát triển sản xuất kinh doanh, hàng năm hệ thống ngân hàng đã góp phần tạo thêm được nhiều việc làm mới cho TP. Hồ Chí Minh và thu hút lao động từ các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời, cũng bằng việc cung ứng nguồn vốn tín dụng hệ thống ngân hàng đã góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp TP. Hồ Chí Minh thực hiện thành công nhiều chương trình, dự án lớn của quốc gia và của các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực nông nghiệp.
![]() |
Trung tâm TP.Hồ Chí Minh hôm nay |
Từ một hệ thống ngân hàng cho vay theo chỉ định khi chưa tách biệt NHNN và NHTM trong những năm đầu giải phóng. Đến nay TP. Hồ Chí Minh đã có một hệ thống ngân hàng năng động nhất nước với 12 NHTMCP có Hội sở đóng tại địa bàn thành phố. Thay đổi căn bản nhất là các định chế tài chính hiện nay phát triển đa dạng về hình thức sở hữu: nhà nước, cổ phần, liên doanh và nước ngoài có chi nhánh rộng khắp với gần 2.200 đơn vị TCTD đặt địa điểm giao dịch ở thành phố.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2018 tổng vốn điều lệ của các NHTM trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã ở mức 174.573 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm liền kề; tổng tài sản của hệ thống ngân hàng trên địa bàn cũng đã vượt mốc 3,6 triệu tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay hơn 2 triệu tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh cũng là trung tâm phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại lớn nhất nước, với 12,6 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động đi kèm với đó là hệ thống thanh toán di động thông qua internet với nhiều loại hình ví điện tử, thanh toán mã phản hồi nhanh QR Code...
Các nhà kinh tế đánh giá, sự phát triển của hệ thống ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn của sự phát triển đột phá, năng động, sáng tạo có gắn liền với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế. Trong đó nổi lên vai trò của tín dụng với khả năng mở rộng và đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho kinh tế thành phố.
TS. Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế và là người tham vấn nhiều chính sách cho TP. Hồ Chí Minh đánh giá, sự phát triển kinh tế của thành phố có ý nghĩa bước ngoặt bắt đầu từ đầu thập niên 1990. Thời kỳ đó từ thực tiễn phát triển, thành phố đã tham gia đóng góp với Trung ương bản đề án sau đó trở thành hiện thực 2 Pháp lệnh ngân hàng tách cấp quản lý và kinh doanh tiền tệ riêng biệt. Pháp lệnh ngân hàng năm đó đã mở đường cho hệ thống ngân hàng thành phố nói riêng và cả nước nói chung phát triển. Và với mô hình NHTMCP đầu tiên ra đời là SaigonBank, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã định hướng và quyết định tham gia góp vốn vào xây dựng thí điểm NHTMCP đầu tiên trên cả nước.
“Vào giai đoạn 1993-1994 tôi là người chắp bút nghiên cứu với thành phố để đề xuất xây dựng TP. Hồ Chí Minh là một trung tâm tài chính quốc gia và từng bước vươn ra khu vực Đông Nam Á. Trong đó tôi có đề xuất xây dựng một Sở giao dịch chứng khoán đặt tại TP. Hồ Chí Minh trong tổng thể thị trường tài chính, sau này đã được chấp thuận và trở thành hiện thực”, ông Lịch cho biết thêm.
Những đề xuất đó xuất phát từ ý tưởng TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu chuyển tải vốn cho nền kinh tế, mà như giới đầu tư quốc tế gọi TP. Hồ Chí Minh là “thủ đô kinh tế” của Việt Nam nên đã thu hút được rất nhiều các định chế tài chính nước ngoài bước vào trong những năm sau này và có cơ sở để trở thành một trung tâm tài chính tín dụng của quốc gia. Trong vai trò đầu tàu đó, những khi thuận lợi và kể cả những năm gần đây mặc dù thị trường có nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh rất năng động để vượt lên. Đáng kể nhất trong sự vươn lên đó là những mô hình tín dụng của các ngân hàng đã kết nối với doanh nghiệp lại để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng cho kinh tế thành phố những năm khó khăn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thu-do-kinh-te-cua-viet-nam-87302.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.