Mỗi năm mất cả 1.000 ha đất
Số liệu tổng kiểm kê lâm nghiệp cho thấy, từ năm 2007-2014, ở đồng bằng sông Cửu Long, đã có 7.800 ha đất ven biển bị mất đi. Tại khu vực này có tới 526 điểm sạt lở với tổng chiều dài dài gần 800 km. Trong đó có 57 điểm (với tổng chiều dài 164km) sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 136 điểm (tổng chiều dài 92km) sạt lở ở mức nguy hiểm.
Từ các kết quả chồng ghép các bản đồ, các ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy hầu hết bờ biển từ khu vực TP Hồ Chí Minh đến Mũi Cà Mau đều bị xói lở. Xói lở đã làm cho thảm rừng ngập mặn nhiều nơi bị thu hẹp dần, có một số đoạn không còn rừng.
Trong đó, các đoạn bờ tiêu biểu có tốc độ xói lở mạnh ở ven biển Đông là Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) có những đoạn xói tới 30m/năm; Hiệp Thạnh, Đông Hải (Trà Vinh) xói tới 50m/năm, đặc biệt khu vực cửa Gành Hào (Bạc Liêu) mỗi năm bị xói lở tới 100m đất; Mũi Cà Mau khoảng 30-40m/năm.
![]() |
ĐBSCL mỗi năm mất cả 1.000 ha đất do sạt lở |
Theo báo cáo của Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), Vụ đã phối hợp kiểm tra 4/5 công trình sạt lở được Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ ở Đồng Tháp và Trà Vinh. Cùng với đó, đã có 12/13 tỉnh báo cáo chủ trương đầu tư 27 dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục; 14 dự án của 7 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; 9/13 tỉnh đã hoàn thành phê duyệt dự án, 8 tỉnh hoàn thành lựa chọn nhà thầu, trong đó Cà Mau đã hoàn thành được khối lượng lớn nhất với trên 50%, đặc biệt, khu vực phía Tây Cà Mau đã hoàn thành xử lý 100% khối lượng sạt lở.
Ông Nguyễn Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, theo đánh giá của Liên hiệp Quốc, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, Cà Mau có bờ biển dài nhất với 245km, 87 cửa sông lớn nhỏ và hiện nay tình trạng sạt lở đã diễn ra ở cả 2 biển (Đông và Tây), có những điểm sâu vào đất liền đến hơn 20m/năm. Bờ biển Tây có tới hơn 45km sạt lở rất nguy hiểm; biển Đông có 24,5km ở mức cực kỳ nguy hiểm. Toàn tỉnh có 105km sạt lở ở mức nguy hiểm trở lên, đã xử lý 28km còn lại chưa có nguồn vốn xử lý.
Cần có một công trình hiệu quả
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ: “Hiện nay tình trạng sạt lở quá nhiều, chúng ta cố gắng kéo dài được từng nào hay từng đấy, mất thì đành chấp nhận. Nhưng Tổng cục Phòng chống thiên tai và Chính phủ cần có sơ đồ cảnh báo sạt lở từng vùng cho từng năm hoặc vài năm để nhân dân chủ động, phải có quy hoạch vùng để lên kế hoạch bảo vệ bờ sông, bờ biển”.
PGS.TS Trịnh Công Vấn cho rằng, hiện trạng kênh rạch chằng chịt, bờ biển dài nên việc sạt lở là hiện tượng tất yếu. “Nguồn lực của chúng ta hiện nay không thể chống sạt lở trên toàn bộ ĐBSCL. Cần xây dựng quy hoạch để quản lý vùng ven bờ sông, ven biển. Làm quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi cũng giống như dẹp vỉa hè, phải có 1 chiến dịch quốc gia di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở, đừng kỳ vọng vào việc có thể bảo vệ tất cả các khu vực sạt lở” - PGS.TS Vấn nói.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kể lại câu chuyện đã từng cùng Thủ tướng bay trực thăng để quan sát vùng ĐBSCL. Ông khẳng định, Việt Nam đang thiếu (đói) phù sa trầm trọng, sạt lở càng nghiêm trọng về cuối Mũi Cà Mau. Do đó, theo ông Trung, cần chứng minh một công trình gây bồi tạo bãi thành công để kiến nghị tất cả các điểm sạt lở phải đồng loạt sử dụng, làm thật nhanh và nơi nào có vốn trước đầu tư trước, bắt đầu từ Mũi Cà Mau làm ngược lên. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với tình trạng sạt lở, cố gắng tìm tòi nhiều biện pháp, giải pháp công trình để chống sạt lở.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, sụt lún ở ĐBSCL là rất nghiêm trọng, đến mức “Nếu cứ để như thế này thì chúng ta tự chìm xuống đáy biển trước khi nước biển dâng”. Với tình trạng này, các địa phương cần phải áp dụng công nghệ mới và giải pháp khác để giảm chi phí trong việc kè bảo vệ bờ sông, đê biển. Đây là lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới nhưng điều cần nhất là phải tìm ra các giải pháp để giảm suất đầu tư xuống.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/sat-lo-o-dbscl-can-co-so-do-canh-bao-tung-vung-de-nhan-dan-chu-dong-87133.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.