Khó thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
12:00 | 10/04/2019
Xâm chiếm đất rừng là câu chuyện diễn ra như cơm bữa tại các tỉnh Tây Nguyên, và việc thu hồi lại gặp vô vàn khó khăn.
Đất rừng bị xâm lấn
Xâm chiếm đất rừng là câu chuyện diễn ra như cơm bữa tại các tỉnh Tây Nguyên, và việc thu hồi lại gặp vô vàn khó khăn.
Đăk Lăk là một trong các địa phương có tình trạng xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy liên tục diễn ra khá phức tạp trong nhiều năm qua, mặc dù, chính quyền đã có nhiều biện pháp quản lý, siết chặt việc quản lý.
![]() |
Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong thu hồi đất rừng bị lấn chiếm |
Đơn cử, từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý nằm cạnh Quốc lộ 29 thuộc địa bàn huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng. Theo các đơn vị chức năng, vào ngày 6/2/2019, lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 6, tiểu khu 444 tại địa phận do Ban Quản lý này quản lý bị lâm tặc đốn hạ khoảng 1ha. Ngay sau đó, tại tiểu khu 453, cơ quan chức năng lại phát hiện vụ phá rừng gây thiệt hại 1,8ha. Theo nhận định của Ban Quản lý, khu vực rừng bị xâm hại là rừng nghèo kiệt, chủ yếu là gỗ tạp, cây gỗ nhỏ, giá trị lấy gỗ không cao, và các đối tượng phá rừng không nhằm mục đích lấy gỗ mà để chiếm đất trái pháp luật.
Một số địa phương khác của Đăk Lăk cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại huyện Ea Súp, thời gian gần đây, tại lâm phần của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đăk Lăk, đã phát hiện khoảng 19ha rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Ea Súp và huyện Buôn Đôn bị người dân phá.
Cần có giải pháp tích cực
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng tích cực triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng và thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ năm 2017-2019 sẽ thu hồi tối thiểu 30 ngàn hecta đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để đưa vào trồng rừng. Đến nay, diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân tự nguyện kê khai là khoảng 26,9 ngàn hecta. Trong 2 năm 2017-2018, địa phương chỉ triển khai trồng được hơn 12,9 ngàn hecta rừng. Trong đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm được thu hồi và giao lại để trồng rừng theo kế hoạch chỉ đạt 10 ngàn hecta…
UBND tỉnh cũng cho biết, việc vận động người dân kê khai diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Thậm chí còn gặp sự chống đối, không đồng thuận.
Qua khảo sát, phần lớn đối tượng lấn chiếm là người đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích lấn chiếm hiện đang canh tác cho thu nhập ổn định hàng năm, một số diện tích lấn chiếm bị sang nhượng trái phép qua nhiều chủ. Do đó, khó thuyết phục người dân trả lại hoặc chuyển sang trồng rừng. Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận đối tượng và không có đủ hồ sơ về vi phạm, không xác định được thời điểm xâm lấn … Đây là những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý rừng và thu hồi đất rừng bị xâm chiếm.
Theo số liệu công bố tại diễn đàn Quản lý rừng bền vững ở Tây Nguyên do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới tổ chức mới đây, rừng Tây Nguyên liên tục giảm trong những năm qua, từ hơn 2,8 triệu hecta năm 2010, hiện còn hơn 2,5 triệu hecta. Trong đó, khoảng 300.000ha đang bị tranh chấp, lấn chiếm.
Theo các chuyên gia, việc phát triển, quản lý rừng bền vững ở khu vực Tây Nguyên cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt như phục hồi rừng, đầu tư trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến lâm sản, cải thiện sinh kế từ rừng... Nhất là cần phát triển rừng theo hướng đa chức năng, không chỉ tập trung sản xuất mà gắn với lợi ích về giải trí, môi sinh, đa dạng sinh học và văn hóa. Có như thế mới giảm thiểu được vấn nạn xâm hại đất rừng.
Bài và ảnh Chí Thiện