PAPI 2018: Người dân vẫn quan ngại nhất về đói nghèo

Đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm vừa qua đạt hơn 7%. Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018 được Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sáng 2/4 tiếp tục ghi nhận đói nghèo đứng đầu danh sách các vấn đề hệ trọng nhất đối với người dân.

Năm nay, tỷ lệ quan ngại về vấn đề này cũng là cao nhất trong suốt 4 năm qua. Kết quả ẩn chứa một số hàm ý chính sách, đòi hỏi chính quyền các cấp lưu tâm khi xây dựng các chương trình hướng Việt Nam tới các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn.

PAPI 2018: Người dân vẫn quan ngại nhất về đói nghèo

Lo ngại tái nghèo, gia tăng bất bình đẳng

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNPD tại Việt Nam đã nêu ra những kết quả ấn tượng từ báo cáo lần này. Theo đó, lần đầu tiên người dân cho rằng có sự cải thiện trong cả 6 trục nôi dụng. Tham nhũng ở các bệnh viện cấp huyện giảm xuống, người dân đã hài lòng hơn với thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kết quả khảo sát năm 2018 cũng cho thấy, đói nghèo, tăng trưởng kinh tế, tham nhũng, bảo vệ môi trường vẫn là những vấn đề người dân quan ngại nhất, ngoài mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Trong đó, đói nghèo vẫn là mối quan ngại lớn nhất, trong khi việc làm là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Khảo sát cho thấy, người dân lo ngại về khả năng bản thân hoặc gia đình trở lại đói nghèo sau khi đã thoát nghèo, và xóa đói giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của Việt Nam tiếp tục là 2 lý do chính khiến người dân đề xuất Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo.

Kết quả phân tích dữ liệu cũng cho thấy bất bình đẳng thu nhập là yếu tố tác động tới việc người dân cho rằng xóa đói, giảm nghèo nên được ưu tiên. Theo khảo sát, 90% số người được hỏi có thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng, chỉ 1,7% là trên 40 triệu đồng/tháng.

Tỷ lệ người dân xem đói nghèo là vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết luôn ở mức cao hơn hẳn so với tỷ lệ quan ngại về các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường khác. Điều thú vị là mặc dù người dân sẵn sàng trả thêm thuế để Nhà nước tái phân bổ ngân sách cho các địa phương còn nghèo, sự ủng hộ lớn nhất đến từ những người có thu nhập khá trở lên và những người có trình độ học vấn cao hơn.

Do đó, báo cáo khuyến nghị, trong khi tìm kiếm các giải pháp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, Nhà nước cũng cần xem xét mối quan tâm khác của người dân. “Chính sách tái phân bổ ngân sách từ tăng thu thuế cần được thiết kế hết sức cẩn trọng và thảo luận cởi mở để những người có thu nhập thấp không bất bình và chịu thiệt thòi”, báo cáo PAPI chỉ rõ.

Thủ tục hành chính và dịch vụ công được đánh giá cao

Bức tranh tổng thể của PAPI 2018 cho thấy, trong năm qua, Cung ứng dịch vụ công và Thủ tục hành chính công là hai lĩnh vực được người dân đánh giá cao nhất; Kiểm soát tham nhũng có cải thiện đáng kể. Trong khi đó, Quản trị môi trường và Quản trị điện tử là 2 trục mới và cũng là 2 trục nội dung được đánh giá kém nhất trong số 8 trục nội dung của PAPI.

Điểm chỉ số nội dung Thủ tục hành chính công năm 2018 đạt mức khá, với điểm số cấp tỉnh dao động từ 6,9 đến 7,95 trên thang điểm từ 1 đến 10; hiệu quả thực hiện dịch vụ làm thủ tục hành chính công của các cấp chính quyền ở bốn nhóm dịch vụ PAPI đo lường khá đều nhau. Điểm trung bình toàn quốc cũng tăng lên qua các năm ở cả 4 nội dung thành phần, đặc biệt là trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù điểm nội dung thành phần này vẫn thấp hơn so với 3 nội dung thành phần còn lại theo kết quả khảo sát năm 2018 và qua các năm.

Tương tự như vậy, đối với chỉ số Cung ứng dịch vụ công, hiệu quả cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh được đánh giá đạt mức khá, giữa các địa phương không có sự khác biệt lớn về hiệu quả cung ứng bốn nhóm dịch vụ PAPI đo lường. Điểm chỉ số nội dung này tăng dần qua thời gian kể từ năm 2016, với phần lớn các chỉ tiêu có dấu hiệu cải thiện.

Kết quả khảo sát cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu trong công chúng. Trong đó hiện tượng vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện, quận và giáo dục tiểu học công lập giảm; song lót tay để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ không đổi qua hai năm 2017 và 2018.

Tham nhũng được xem là ít phổ biến ở cấp xã, phường hơn ở các cấp chính quyền cao hơn. Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với 3 năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã, phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm.

Phát hiện chính từ chỉ số Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định cho biết, từ năm 2011 đến 2018, chưa đến 1/4 dân số có thể truy cập thông tin về quy hoạch sử dụng đất của địa phương và chưa đến một phần ba có cơ hội đóng góp ý kiến cho các bản quy hoạch sử dụng đất ở địa phương.

Nội dung thành phần Tiếp cận thông tin cũng cho thấy một số vấn đề đáng suy nghĩ. Tỷ lệ người dân trên toàn quốc tìm kiếm thông tin chính sách, pháp luật của nhà nước rất thấp, chỉ đạt 14%. Trong số đó, chỉ có 12% tìm được thông tin họ cần, và trong số này cũng chỉ 12,5% cho rằng thông tin họ nhận được là hữu ích.

Điểm chỉ số nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân năm 2018 ở mức thấp, với mức điểm cấp tỉnh chỉ trong khoảng từ 4,31 đến 5,6 trên thang điểm từ 1 đến 10. Khoảng cách về điểm ở chỉ số nội dung này rất nhỏ, cho thấy các tỉnh/thành phố trên toàn quốc không có nhiều khác biệt trong thực hiện trách nhiệm giải trình với người dân.

Phát hiện từ Chỉ số nội dung Quản trị môi trường cho thấy người dân tỏ ra lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt hơn về ô nhiễm không khí trong năm 2018 so với những năm trước. Hơn 50% số người được hỏi cho biết chất lượng nước kém hơn 3 năm trước, trong khi đó khoảng 36% cho biết chất lượng không khí kém hơn so với 3 năm trước. Tỷ lệ người trả lời trên toàn quốc chọn bảo vệ môi trường thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá tăng từ 69% năm 2016 lên 74% năm 2018, cho thấy sự quan tâm của người dân đối với vấn đề môi trường ngày càng tăng lên.

Kết quả phân tích từ Chỉ số Quản trị điện tử cho thấy tỷ lệ người trả lời cho biết họ đọc tin tức trên nền tảng Internet và sử dụng Internet tăng nhanh từ 28% năm 2017 lên 38% năm 2018. Bên cạnh đó, 53% số người được hỏi cho biết họ có Internet tại nhà, tăng hơn 15% so với tỷ lệ năm 2017. Tuy vậy, tỷ lệ người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền khi thực hiện thủ tục hành chính như xin chứng thực, xác nhận, xin cấp phép xây dựng, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất thấp, dao động từ 1% - 4%.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/papi-2018-nguoi-dan-van-quan-ngai-nhat-ve-doi-ngheo-86426.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.