![]() | PCI 2018: Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu |
Quả ngọt chỉ tới khi hành động quyết liệt
Hơn một thập kỷ trước đây, những câu từ như: khu vực tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế tư nhân là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và tự chủ của nền kinh tế; phải tận tâm, tận lực phát triển kinh tế tư nhân… có gì đó rất xa lạ, hiếm khi được biết đến và nếu có biết thì phần nhiều chỉ dừng lại ở những ước vọng. Bây giờ thì có lẽ chúng ta đã quá quen với những tầm nhìn và thông điệp như vậy, cũng ngày càng thấy có nhiều hành động cụ thể để hiện thực hóa các thông điệp này.
Dưới nhiều giác độ và cách tiếp cận khác nhau, mỗi người đều có thể ghi nhận những đổi thay của môi trường kinh doanh (MTKD) tại Việt Nam nói chung, tại từng tỉnh thành, địa phương nói riêng trong những năm qua. Trong đó, bức tranh được phác họa hàng năm của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về cảm nhận và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với MTKD và chất lượng điều hành kinh tế và cải cách thủ tục hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố thực sự hàm chứa nhiều thông tin đáng trân quý.
![]() |
Cầm trên tay bản báo cáo PCI 2018, một cảm nhận chung là bức tranh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã có rất nhiều nhiều khởi sắc trong năm qua. Tỉnh trung vị đã đạt điểm số PCI 61,76 điểm, cao nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu tiến hành năm 2005. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, điểm trung vị tăng lên và xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các các tỉnh, thành phố đi sau với các tỉnh, thành phố dẫn đầu đã cho thấy sức lan toả và bao trùm hơn trong nỗ lực cải cách và nâng cao năng lực điều hành kinh tế ở các địa phương. Dàn nhạc cải cách ở các địa phương đã đồng thanh, đồng điệu hơn, ấy là điều rất đáng khích lệ.
Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước; MTKD bình đẳng hơn, thể hiện ở việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm; Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn, cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến; cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả và thân thiện hơn; việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể… là các xu hướng tích cực mà PCI 2018 ghi nhận. Đó cũng là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.
Nhờ đó, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào MTKD vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. Cụ thể, 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh; 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).
![]() |
Thành công nhưng không dừng lại
Bức tranh tổng thể của MTKD như vậy là tích cực. Nhưng vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại được PCI 2018 chỉ ra. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao khi có tới 58% doanh nghiệp trong nước qua khảo sát cho biết vẫn bị “nhũng nhiễu” hay 54% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả “chi phí bôi trơn”.
Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân. Hay việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Các thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải… hay tính minh bạch theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện.
Như vậy, dù MTKD đã bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn.
“Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp”, Chủ tịch VCCI khuyến nghị.
Đằng sau những con số thứ hạng cao PCI cao hơn của mỗi tỉnh, thành phố (so với chính mình và so với các tỉnh thành khác) là rất nhiều nỗ lực, tâm huyết, sáng kiến cải cách và những mô hình mới hiệu quả đã được lãnh đạo các tỉnh thành phố trăn trở và hiện thực hóa.
Nhưng chúng ta cũng chưa hết lo âu, khi chỉ số PCI mấy năm qua đã cho thấy sự chững lại của nhóm dẫn đầu. Điểm số PCI của hai tỉnh dẫn đầu mới chỉ qua ngưỡng 70/100 điểm kỳ vọng. Điều này cho thấy, một mặt dư địa cải cách vẫn còn rất lớn, mặt khác cũng cho thấy những khâu, những việc cải cách dễ dàng thì các tỉnh, thành phố đều đã triển khai và bây giờ là lúc phải “đụng” đến những khâu, những việc khó khăn hơn, thậm chí là cốt lõi cần phải được tháo gỡ từ trần thể chế, từ cấp trung ương, từ các bộ ngành.
Vì vậy, dù PCI chỉ phản ánh MTKD và chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các tỉnh thành nhưng lại gợi mở ra những vấn đề lớn hơn. Đó là việc cần đẩy mạnh xã hội hoá, đẩy mạnh phân cấp, thực hiện định hướng các bộ ngành tập trung làm thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách ở cấp địa phương và cơ sở. Đây đang là một nhu cầu cấp thiết đặt ra cho làn sóng cải cách lần thứ 2 trong nền kinh tế mà chúng ta hy vọng Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta sẽ khởi động và thúc đẩy quá trình này.
PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của USAID. Với những tác động tích cực mà PCI mang lại, tại sự kiện công bố PCI 2018 ngày 28/3/2019, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho biết USAID sẽ tiếp tục gia hạn dự án PCI thêm 3 năm nữa. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/pci-2018-thong-diep-hanh-dong-va-du-dia-cho-cai-cach-86278.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.