Nhiều ngân hàng chốt ngày đại hội cổ đông sớm
11:14 | 28/03/2019
Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã lên lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Ngoài các nội dung quen thuộc như báo cáo tình hình hoạt động năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận... mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ có nhiều điểm nóng hơn, trong bối cảnh NHNN siết chuẩn Basel ll khiến các ngân hàng sẽ phải tăng vốn, bên cạnh việc mạnh tay xử lý nợ xấu.
![]() |
Năm 2018, Techcombank lên sàn HoSE và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng |
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) là 9% và theo tiêu chuẩn Basel II là 8% (vốn tự có trên tổng tài sản có rủi ro). Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải mạnh mẽ tăng vốn điều lệ trong năm nay. Và phương án được nhiều ngân hàng lựa chọn là chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn điều lệ.
Được biết, TPBank đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng.
Tương tự, ACB cho biết sẽ chia cổ tức năm 2018 mức 30% bằng cổ phiếu tăng vốn. HDBank, VPBank, Techcombank, MB… cũng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng đã chốt lịch họp đại hội cổ đông sớm so với năm 2018.
Còn một số ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu như Eximbank, Sacombank, Dong A Bank, Saigonbank... thì các cổ đông cũng sẽ không được nhận cổ tức từ các nhà băng này với lý do là phần lợi tức để trích lập dự phòng và tái cấu trúc tài sản.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng lỗi hẹn với sàn chứng khoán trong năm 2018, cũng đang thể hiện quyết tâm chào sàn trong năm 2019 này, như VIB, OCB và NamABank.
Năm 2018 có tới hàng chục ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Thế nhưng, hết năm chỉ có 3 ngân hàng thành công đó là Techcombank, HDBank, TPBank và cả 3 đều lên sàn HoSE.
Không chỉ lên sàn thành công, đây cũng là 3 ngân hàng có kết quả kinh doanh nằm trong nhóm ấn tượng nhất năm qua, trong đó Techcombank vươn lên vị trí thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank với lợi nhuận 10.700 tỷ đồng, TPBank lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm 2017, còn HDBank đạt kỷ lục hơn 4.000 tỷ đồng.
Thanh Thủy