Kinh tế 2019: Áp lực lạm phát cao hơn, tăng trưởng có thể thấp hơn

Mặc dù lạm phát cơ bản có thể ổn định ở mức thấp do tốc độ TTTD năm nay theo dự kiến chỉ tương đương với năm ngoái nhưng các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng (như tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục…) sẽ khiến lạm phát chung tăng. 
Giá điện và chính sách tiền tệ
Kinh tế 2019: Áp lực lạm phát cao hơn, tăng trưởng có thể thấp hơn
Hình minh họa

Đối mặt với nhiều thách thức

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) tổ chức mới đây, các chuyên gia đều nhận định nền kinh tế 2019 đang đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong đó áp lực lạm phát cao hơn và tăng trưởng có thể thấp đi.

PGS-TS. Tô Trung Thành - Trường Đại học KTQD cho rằng, kinh tế năm nay có thể tận dụng được một số tác động tích cực từ diễn biến kinh tế toàn cầu; trên đà chất lượng tăng trưởng đã có những cải thiện trong thời gian qua; khả năng tăng trưởng tiếp tục tích cực của khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp (trong đó động lực chính tiếp tục là khu vực FDI) cũng như sự hồi phục vững chắc của khu vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, kinh tế 2019 cũng đối mặt với nhiều thách thức, nổi lên là những tác động bất lợi từ kinh tế thế giới; các rào cản thể chế và MTKD còn nhiều; dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp.

Lạm phát trong năm nay có thể cao hơn năm 2018. Mặc dù lạm phát cơ bản có thể ổn định ở mức thấp do tốc độ TTTD năm nay theo dự kiến chỉ tương đương với năm ngoái nhưng các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh tăng (như tăng giá điện, tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục…) sẽ khiến lạm phát chung tăng. Đồng thời còn có tác động đáng kể khi xăng dầu tăng giá theo diễn biến giá thế giới và việc tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ đầu năm… sẽ có ảnh hưởng lan tỏa đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sản lượng hiện cao hơn sản lượng tiềm năng nên việc cố gắng duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019 có thể gây thêm sức ép lên lạm phát. “Tăng trưởng kinh tế năm nay có thể không đạt tốc độ tốt như năm 2018 trong khi lạm phát có xu hướng gia tăng”, PGS-TS. Tô Trung Thành nhận định. Các dự báo tăng trưởng và lạm phát của các tổ chức quốc tế như ADB, IMF, WB cũng có nhận định tương tự.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng, điều chắc chắn nhất của kinh tế thế giới năm nay chính là tính bất định gia tăng. Cùng với đó, tăng trưởng GDP trong năm nay của Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - đều được dự báo sẽ giảm nhanh hơn so với kỳ vọng trước đây.

“Riêng Trung Quốc mới đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6-6,5%, tức là trong lịch sử của họ chưa bao giờ đặt mục tiêu với khoảng cách chênh lệch lớn như vậy, và cho thấy họ cũng đang thấy rất rõ tính bất định của năm nay. Những yếu tố như vậy chắc chắn sẽ tác động đến kinh tế của Việt Nam. Việc tăng sức kháng cự để đối phó vì thế là rất cần thiết, bên cạnh đó là tính linh hoạt cũng cần gia tăng, nhất là trong trường hợp tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh hơn”, TS. Võ Trí Thành phân tích.

Tăng trưởng và ảnh hưởng từ thâm hụt ngân sách

Trong nhiều khuyến nghị chính sách cụ thể về phát triển kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng được các chuyên gia kinh tế nêu ra, GS-TS. Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường KTQD đã rất lưu ý đến vấn đề: Cần nhất quán và liên tục coi việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp là mục tiêu đầu tiên và quan trọng. Đây cũng là nền tảng quan trọng nhất đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả và do vậy không mâu thuẫn với tăng trưởng bền vững.

Một quan ngại cho kinh tế vĩ mô (KTVM) và tăng trưởng, theo nghiên cứu của Đại học KTQD, đó là tình hình thâm hụt ngân sách cao, kéo dài và nợ công tăng nhanh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn, gây bất ổn KTVM và làm giảm khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế, làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào “quỹ đạo tăng trưởng” mới. Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng, Trường Đại học KTQD khuyến nghị cải cách hệ thống thuế nhằm tạo nguồn thu ngân sách ổn định cân bằng; song song với việc giảm chi ngân sách, chấm dứt tình trạng chi vượt dự toán… tiến tới duy trì thâm hụt ở mức dưới 3% GDP.

Đánh giá về tình hình ngân sách, TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính cho biết, mấy năm gần đây ngân sách nhà nước đã được củng cố hơn, thâm hụt ngân sách đã giảm được đôi chút. “Chi tiêu ngân sách đã xác lập được cơ sở để tạo ra sự bền vững nhất định, nợ công sau khi tiệm cận trần 65% GDP đã kéo được xuống và dao động trong khoảng 61% GDP trong khoảng ba năm trở lại đây trong khi vay nợ nước ngoài cũng đã được kiểm soát khá tốt...”, ông Ánh cho biết và kỳ vọng rằng, với việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm giúp chi từ NSNN được kiểm soát một cách chặt chẽ, hiệu quả hơn trong khi tiếp tục tinh gọn bộ máy, cải cách tiền lương để giảm chi thường xuyên xuống sẽ là những tín hiệu tích cực, giúp tính bền vững của ngân sách tiếp tục được củng cố trong năm nay và năm tới.

Góp thêm ý kiến vào nghiên cứu, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, tình hình tài khoá đang được củng cố nhưng chi thường xuyên nhất là chi lương vẫn tăng mạnh và chưa triệt để tiết kiệm chi tại nhiều ngành. Trong khi đó, các nỗ lực tăng thu gặp phải nhiều thách thức như thuế xuất nhập khẩu giảm; thu từ khai khoáng giảm…

Để hướng tới chính sách tài khóa bền vững, ông Sebastian Eckardt khuyến nghị: Thứ nhất, tái tạo khoảng đệm tài khóa trong đó cần giữ mức thâm hụt ngân sách thấp để giảm dần nợ và duy trì trách nhiệm trả nợ liên đới/bảo lãnh. Thứ hai, xây dựng hệ thống thuế vì tăng trưởng bằng cách tiếp tục tái cân đối hệ thống thuế, chuyển từ đánh thuế trực tiếp (đánh vào thương mại, thu nhập) sang các hình thức gián tiếp ít gây nhiễu loạn hơn. Thứ ba, tập trung vào các cải cách chi ngân sách theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm và công bằng...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kinh-te-2019-ap-luc-lam-phat-cao-hon-tang-truong-co-the-thap-hon-86210.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.