Cấm xe máy: Trật tự chỉ có khi kỷ luật được đưa ra

Việc Hà Nội và TP.HCM đang lên phương án và lộ trình cho việc cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội đô đang gây ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, cả trên mạng xã hội và trên mặt báo.
Hà Nội: Đến năm 2030, cấm xe máy vào nội đô

Phía ủng hộ cho rằng đó là “một bước đến văn minh” và dẫn ra nhiều câu chuyện như Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), thậm chí Yangon (Myanmar)… Còn phía chưa đồng tình cho rằng sử dụng xe máy là thuận tiện nhất trong đi lại hàng ngày của thị dân, với một số người còn là phương tiện sống, và rằng đô thị chưa thể thiếu được phương tiện này trong vòng chục năm tới…

Trong khi đó cho đến nay, dường như chưa có bất kỳ đánh giá tác động một cách hoàn chỉnh và kỹ càng nào của việc cấm xe máy tại các đô thị, nhất là ở khía cạnh được và mất với thị dân, với triển vọng phát triển kinh tế - xã hội… Cũng chưa có một lộ trình nào cụ thể để phát triển các hệ thống giao thông công cộng thay thế hiệu quả cho xe máy. Nên câu hỏi đặt ra là: Cấm được không?

Cấm xe máy: Trật tự chỉ có khi kỷ luật được đưa ra
Xe máy đang là phương tiện giao thông phổ biến bậc nhất tại các độ thị Việt Nam

Trên thực tế, trong hoạt động quản lý đô thị hiện nay đang có rất nhiều quy định cấm, giới hạn không được phép vượt qua, như: cấm xây nhà cao tầng trong những khu vực trung tâm, bảo tồn; cấm sử dụng lòng đường vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh; cấm ô tô vận tải đi vào thành phố trong giờ cao điểm…

Các lực lượng quản lý, thực thi, giám sát cũng ra quân thường xuyên, rồi tổ chức các chiến dịch trọng điểm. Nhưng, cuối cùng thì những vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm trật tư đô thị vẫn xảy ra thường xuyên, gần như hàng ngày. Vi phạm về xây dựng thì đã có “phạt cho tồn tại”. Vi phạm về trật tự, an toàn đô thị thì có thể đóng một khoản “phí” hoặc phạt nhỏ là có thể tiếp tục… vi phạm.

TS. Hot Jomer, một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị của CHLB Đức đã làm việc ở GIZ Việt Nam trên 10 năm chia sẻ: Ở Việt Nam tôi thấy rằng hệ thống luật pháp trong lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị được soạn thảo và cập nhật khá tốt. Nhưng dường như, tất cả những điều luật đó đều chỉ nằm trên bàn giấy.

Cần phải nhìn vào một thực tế đáng buồn là nhiệm vụ quản lý đô thị của nước ta trong một thời gian dài chưa được quan tâm một cách đúng mức. Nhiều vấn đề thực tiễn liên quan đến đô thị như quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và kiến trúc, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý nhà ở, quản lý dịch vụ đô thị và quản lý kinh tế đô thị… đã bị buông lỏng.

Nguy hiểm hơn là nó ăn sâu vào đời sống, kinh tế, văn hóa sinh hoạt cộng đồng của toàn xã hội, tạo nên một xu thế hành xử “nhờn luật” của một bộ phận lớn từ các nhà quản lý đến đông đảo người dân và doanh nghiệp.

“Rõ ràng, việc thực thi luật của các bạn đang có vấn đề”, TS. Jomer nhận xét. “Người Đức chúng tôi có câu ‘Trật tự chỉ có khi kỷ luật được đưa ra’. Hệ thống luật pháp cho dù có hoàn chỉnh bao nhiêu thì việc thực thi không nghiêm sẽ chẳng đem lại hiệu quả”.

Chuyên gia Mavis Johnson, nguyên Giám đốc Chiến dịch An toàn đường bộ, thuộc Ngân hàng Thế giới, khuyến nghị: Các luật lệ về an toàn giao thông cần được thực thi một cách nghiêm túc bằng mọi biện pháp, kể cả việc đặt các thiết bị ghi lại hình ảnh vi phạm của chủ phương tiện để phạt. Cần có một chế tài mạnh mẽ của các cơ quan quản lý để lấy lại ý thức của người dân.

Ông Takagi Michimasa, Chuyên gia tư vấn cao cấp Nhật Bản, nguyên Tư vấn trưởng dự án “Cải thiện giao thông công cộng Hà Nội” chia sẻ thêm: Tại Nhật Bản, các biện pháp hạn chế mang tính cưỡng chế trực tiếp về sử dụng phương tiện cá nhân không được sử dụng, mà thay vào đó là các biện pháp đánh vào kinh tế hoặc các biện pháp có sự hợp tác của các công ty, tổ chức được lựa chọn để sử dụng nhiều hơn.

Cùng quan điểm với chuyên gia Mavis Johnson, ông Takagi Michimasa cũng cho rằng, nếu tình trạng kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ luật lệ giao thông ở Việt Nam được thực thi một cách nghiêm túc thì ý thức của người tham gia giao thông sẽ được nâng cao, từ đó tình trạng giảm thiểu tài nạn giao thông và vấn nạn ùn tắc tại các thành phố lớn ở Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cam-xe-may-trat-tu-chi-co-khi-ky-luat-duoc-dua-ra-85935.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.