Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh bị kiểm soát chặt bởi các điều kiện kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường, thì một số khu vực, hình thức đầu tư lại đang bị bỏ lỏng. Theo các chuyên gia, không chỉ nới lỏng các quy định, việc sửa các luật về đầu tư, kinh doanh thời gian tới cần chú ý thắt chặt một số lĩnh vực như hoạt động đầu tư của DNNN, hoặc đầu tư ra nước ngoài, đầu tư của DN trong nước có vay nợ nước ngoài.
![]() |
Cần kiểm soát các giao dịch đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ |
Kiểm soát chặt hơn đầu tư của Nhà nước
Theo các luật sư, khái niệm DNNN trong các luật hiện hành chưa thống nhất với nhau, rất dễ gây ra tình trạng người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở DN lạm quyền để ra các quyết định quan trọng mà bỏ qua tiếng nói của các cổ đông tư nhân. Điều này cũng sẽ khiến NĐT e ngại trước việc mua lại cổ phần, vốn góp của DNNN, trái với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá DNNN thời gian tới.
Theo Công ty Luật NHQuang và cộng sự, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi khái niệm DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. “Thế nào là cổ phần, vốn góp chi phối?”, đại diện của công ty luật này đặt vấn đề.
Việc quy định không rõ ràng có thể dẫn tới các trường hợp DN do nhà nước nắm giữ phần vốn góp/cổ phần dưới 50% nhưng vẫn có quyền chi phối hoạt động của DN thông qua các quy định đặc thù tại điều lệ, thoả thuận cổ đông/thành viên của DN đó, như quyền ưu đãi biểu quyết, quyền thông qua các vấn đề trọng yếu của DN…
Vị này đề xuất cần quy định rõ định nghĩa DNNN căn cứ theo định nghĩa tại Hiệp định CPTPP. Theo đó, DNNN là DN mà trong đó Nhà nước: (i) Trực tiếp sở hữu trên 50% vốn điều lệ; hoặc (ii) Kiểm soát trên 50% số phiếu có quyền biểu quyết thông qua các quyết định của DN; hoặc (iii) Giữ quyền chỉ định đa số thành viên ban quản trị hoặc bất kỳ bộ máy quản lý tương đương khác của DN.
Ngoài ra, dự thảo chỉ có quy định cụ thể về tổ chức quản lý DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ mà không có quy định cụ thể đối với DN do Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn điều lệ. Theo các luật sư, cần làm rõ sự khác biệt về quyền, nghĩa vụ, tổ chức quản lý giữa DN do Nhà nước sở hữu dưới 100% vốn điều lệ và DN tư nhân để tránh sự chèn lấn, hoặc tình trạng dành nhiều ưu ái, đặc quyền hơn cho các DN có vốn Nhà nước.
Vốn vào hay ra cũng cần chú ý
Một trong những thủ tục được mong đợi bãi bỏ là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Song theo dự thảo luật, quy định này vẫn đang tồn tại. Theo các chuyên gia về đầu tư nước ngoài, quy định này nên được chuyển sang cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.
Dự thảo cần mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của NĐT và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành theo đúng với tinh thần ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; thay vì kiểm soát các thủ tục hành chính thực hiện dự án, nên chú trọng hơn tới việc quản lý dòng vốn. Bởi hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế và cần cân đối giữa việc đầu tư trong nước với đầu tư ra nước ngoài.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, trong bối cảnh thị trường tự do toàn cầu, hoạt động đầu tư xuyên biên giới quốc gia theo cả hai hướng “vào” và “ra” ngày càng trở nên bình thường và không còn bị phân biệt đối xử. Ứng phó với tình thế này, cần đổi mới tư duy và cũng chỉ cần làm theo thông lệ quốc tế.
Ông Lập cho rằng sự cho phép hay thậm chí cả đăng ký hành chính với cơ quan nhà nước như hiện nay là không còn cần thiết và chỉ mang tính hình thức. Thay vào đó, Chính phủ cần kiểm soát các khía cạnh khác của hoạt động đầu tư ra nước ngoài một cách chặt chẽ cho các mục tiêu thực dụng hơn.
Ông khuyến nghị, trước hết cần kiểm soát đầu tư ra nước ngoài của DNNN vì đó là tài sản của nhân dân. Hai là, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài nhưng sử dụng tín dụng của ngân hàng trong nước, nhằm hạn chế chảy máu nguồn vốn. Ba là, kiểm soát dòng chảy của ngoại hối ra nước ngoài bởi trong khi Đồng Việt Nam chưa có khả năng tự do chuyển đổi, dự trữ ngoại tệ được coi là vấn đề an ninh tiền tệ. Bốn là, kiểm soát các giao dịch đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ có ý nghĩa an ninh quốc gia ra nước ngoài. Và cuối cùng, cần thiết kiểm soát các dự án đầu tư vào các quốc gia thuộc danh sách cấm vận quốc tế hoặc có rủi ro chính trị cao, qua đó bảo vệ cho chính DN đầu tư và ngăn ngừa các liên lụy bất lợi cho nền kinh tế trong nước.
Một vấn đề khác được khuyến nghị siết chặt quản lý là việc các DN tư nhân trong nước vay nợ nước ngoài để đầu tư. Thực tế đã xảy ra những trường hợp chủ thể vay nợ nước ngoài không trực tiếp tạo ra dòng tiền từ hoạt động của mình. Trong trường hợp này, DN sẽ phải tìm kiếm nguồn ngoại tệ từ các hoạt động khác để trả nợ cho nguồn huy động từ thị trường quốc tế.
Gần đây, nợ nước ngoài của khu vực DN tư nhân đã tăng nhanh hơn và chưa có những con số thống kê chính thức. Theo các chuyên gia kinh tế, dù biểu hiện này chưa ở mức đáng báo động, song cũng cần lường trước những rủi ro và biện pháp kiểm soát để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn tài chính quốc gia.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kiem-soat-dau-tu-cho-can-that-chat-lai-dang-noi-long-85599.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.