Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

Tài chính vi mô (TCVM) nhiều năm qua trở thành công cụ xoá đói giảm nghèo hữu hiệu. Trong đó, nhiều tổ chức TCVM đã có những nỗ lực hiệu quả giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo. 
Tài chính vi mô: Bệ phóng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo
Phụ nữ tham gia vay vốn cần được đào tạo về tài chính vi mô
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm
Bà Dương Thị Ngọc Linh

Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi với bà Dương Thị Ngọc Linh - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng giám đốc Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM) - đang hoạt động tại 13 tỉnh/thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với khách hàng mục tiêu là phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ nghèo, yếu thế.

Bà có thể chia sẻ về những kết quả, chương trình, sản phẩm... dành cho đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế của TYM?

Bên cạnh các sản phẩm vốn Phát triển kinh tế, vốn đa mục đích, hỗ trợ xây dựng sửa chữa, TYM đã triển khai những sản phẩm vốn ưu đãi để dành riêng cho các đối tượng khó khăn, yếu thế.

Cụ thể: Vốn chính sách (dành cho hộ gia đình nghèo, phụ nữ tàn tật, phụ nữ có HIV hoặc chồng con nhiễm HIV); vốn Hỗ trợ hộ cận nghèo; và mới đầu tháng 1/2019 TYM đã thí điểm một loại vốn khác là Vốn Hỗ trợ khắc phục rủi ro thiên tai dành riêng cho những gia đình sống khu vực ven biển chịu ảnh hưởng bởi rủi ro thiên tai. Đi cùng với đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chị em phụ nữ khi tham gia TYM như hoàn trả chia nhỏ hàng tuần tại ngay chính địa bàn nơi sinh sống.

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chị em phụ nữ nghèo gửi tiết kiệm tích lũy tài sản, TYM cho phép thành viên có thể gửi tiết kiệm từ khoản tiền rất nhỏ (từ 5.000 đồng). Các hoạt động thu và chi tiết kiệm đều được TYM xây dựng quy trình theo quy định của NHNN và theo hướng thuận lợi nhất cho thành viên.

Bên cạnh đó có nhiều chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng phụ nữ nghèo, yếu thế: xây “Mái ấm tình thương”, trao quà/ học bổng cho con thành viên khó khăn, khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí, tập huấn đào tạo miễn phí với nội dung thiết thực... Tính đến nay, TYM đã có được 157.109 thành viên/khách hàng tham gia TYM với hơn 120.000 chị em phụ nữ thoát nghèo. Trong đó, hơn 7.000 phụ nữ trở thành doanh nhân vi mô và 15.500 chị em trở thành các lãnh đạo cơ quan Đảng, đoàn thể...

Nếu nói về nhu cầu, và khó khăn của nữ giới khi làm kinh tế, theo bà đó là gì?

Trong quá trình đồng hành với phụ nữ, chúng tôi đã nhận thấy họ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, cụ thể hơn là nguồn vốn an toàn và phù hợp. Hiện các kênh tín dụng phổ thông như NHTM khá phổ biến, tuy nhiên lại chưa phủ sóng hết ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Các hình thức tín dụng không chính thức lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với những biến thể khó lường như tín dụng đen. Hơn thế nữa, với mức thu nhập thấp, nhu cầu mức vốn nhỏ, không có tài sản thế chấp hay không có khả năng hoàn trả món lớn trong một lần của nhóm phụ nữ này càng khiến cho họ khó có thể tiếp cận được vốn hơn.

Thứ hai, phần lớn phụ nữ còn khá rụt rè và thiếu tự tin khi đưa ra một quyết định về kinh tế, thậm chí không có tiếng nói trong gia đình. Thực tế, khi cán bộ chúng tôi đến từng thôn xóm để vận động chị em, nhiều người mặc dù rất muốn vay nhưng họ lại không dám bởi cảm giác sợ hãi khi “bị nợ nần”, sợ không đủ năng lực để kinh doanh sản xuất và đảm bảo hoàn trả đúng kỳ. Nên cán bộ TYM không những động viên và tư vấn họ vay vốn mà còn gợi ý, chia sẻ cho họ các ý tưởng để thực hiện dự án của mình.

Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, những khóa đào tạo về giới và kinh doanh, giáo dục tài chính... để giúp chị em phụ nữ nâng cao năng lực bản thân, làm chủ kinh tế và cuộc sống của mình.

Bà có thể chia sẻ về định hướng phát triển để TCVM tiếp cận được nhiều hơn với phụ nữ nghèo?

Tôi nghĩ rằng trong những năm tới đây, không chỉ riêng TYM mà các tổ chức TCVM khác tại Việt Nam sẽ đều thực hiện một định hướng lớn nhất đó chính là cùng thực hiện chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đây cũng chính là đích đến để các tổ chức TCVM thực hiện sứ mệnh của mình cũng như giúp cho người dân nói chung, đặc biệt người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ tài chính.

Đối với riêng TYM trong năm 2019, sẽ tập trung vào thực hiện hai nhiệm vụ chính: Tiếp tục phát triển và cải tiến các sản phẩm, tập trung vào nhóm phụ nữ nghèo, yếu thế. Đồng thời nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tài chính, cách tiếp cận, kênh phân phối để hỗ trợ tối đa cho những chị em phụ nữ nghèo, tạo cơ hội để họ được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách dễ dàng nhất.

Bên cạnh đó, TYM sẽ phát triển nhiều dịch vụ xã hội để hỗ trợ nâng cao năng lực, kiến thức cho các chị em phụ nữ nghèo, yếu thế. TYM đang từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ; yếu tố cốt lõi để phát triển sản phẩm và xây dựng quy trình vận hành phù hợp. Có một nền tảng công nghệ vững chắc, các chị em phụ nữ sẽ có nhiều kênh tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận tiện và an toàn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kheo-an-thi-no-kheo-co-thi-am-85587.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.