Tạo mọi điều kiện để TTCK Việt Nam vượt khó thành công

Năm 2019 và các năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một kế hoạch rất tổng thể và đầy tham vọng để tái cơ cấu TTCK, phát triển TTCK đến 2020 và có lộ trình đến 2025.

“Chúng ta muốn đi nhanh thì có thể đi một mình, chúng ta muốn đi và quan trọng hơn là muốn về đích nữa thì nên đi cùng nhau. Chúng tôi rất mong muốn các DN dù là đại chúng hay chưa đại chúng, niêm yết hay chưa niêm yết, các thành viên thị trường hãy cùng nắm tay nhau để vừa cùng đi xa và vừa về đích theo mục tiêu mà Chính phủ luôn mong muốn và kỳ vọng, là xây dựng TTCK Việt Nam phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững và an toàn”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức sáng nay, 22/2.

Tạo mọi điều kiện để TTCK Việt Nam vượt khó thành công
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo rất chặt chẽ đối với phát triển thị trường vốn nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán.

“Năm 2018 là năm TTCK Việt Nam vượt khó thành công. Có lúc chỉ số VN-Index đã lên đến 1.240 điểm. Cả năm giảm điểm nhưng quy mô thị trường lại tăng lên. So mức giảm điểm của thị trường thế giới thì mức giảm điểm của TTCK Việt Nam là không đáng kể. Chúng ta đã phát triển ổn định trong điều kiện khu vực và thế giới đầy bất định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, năm 2019 và các năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước một kế hoạch rất tổng thể và đầy tham vọng để tái cơ cấu TTCK, phát triển TTCK đến 2020 và có lộ trình đến 2025 chứ không phải “ăn đong” từng năm như trước đây.

Về giải pháp để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 năm 2019. Khi luật được ban hành sẽ tạo được khuôn khổ pháp lý cho TTCK phát triển thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế; cho đầu tư phát triển. Luật ra đời cũng sẽ tạo khung khổ pháp lý để phát triển TTCK hiện đại, minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và chuyên nghiệp…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, UBCKNN nhanh chóng cơ cấu lại thị trường, sớm thành lập Sở GDCK Việt Nam theo lộ trình và mô hình đã được Thủ tướng phê duyệt giúp tiết kiệm chi phí cho NĐT và tăng tính tổ chức của thị trường. Đồng thời với đó là thực hiện phân mảng thị trường theo tiêu chí về quy mô chất lượng hoạt động, thanh khoản trên nguyên tắc không làm xáo trộn và đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, ổn định của thị trường. Hoàn thành và đưa vào hệ thống công nghệ thông tin mới đồng bộ tại hai sở và VSD; hoàn thiện mô hình đối tác bù trừ trung tâm tại VSD theo thông lệ quốc tế… đáp ứng mục tiêu nâng hạng thị trường.

Trước các nhà đầu tư và thành viên thị trường, Phó Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ củng cố và tăng cường ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường. Nhấn mạnh vấn đề này, ông cho biết, từ năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phân tích từng rủi ro của các loại thị trường tới năm 2020 với các kịch bản được xây dựng, rồi gắn kết với kế hoạch 2020-2025, chiến lược 2021-2030. Có bản kế hoạch dày tới hàng trăm trang, cụ thể từng loại lĩnh vực, có sự phối hợp chính sách tài khoá, thương mại, tiền tệ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng. Chính phủ muốn thị trường, các NĐT chung tay với Chính phủ để cùng thực hiện mục tiêu này. “Bên cạnh những diễn biến tích cực của nền kinh tế những tháng đầu năm, Việt Nam đang có hiệu ứng rất tích cực khi Hà Nội là địa điểm chủ trì sự kiện của tâm điểm thế giới: Tổng thống Mỹ gặp Chủ tịch Triều Tiên. Điều này tạo điều kiện cho nước ta có thế lực quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới. Chính phủ rất mong muốn các DN dù là đại chúng hay chưa đại chúng, niêm yết hay chưa niêm yết, các thành viên thị trường hãy cùng nắm tay nhau để vừa cùng đi xa và vừa về đích theo mục tiêu mà Chính phủ luôn mong muốn và kỳ vọng, là xây dựng TTCK Việt Nam phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững và an toàn”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Tài chính cũng đã chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2018 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, cũng như giữ vững vị trí tốp đầu các bộ ngành về cải cách hành chính.

“Năm 2018, mặc dù bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu, nhưng nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, các chính sách phát triển thị trường, TTCK Việt Nam năm 2018 vẫn đứng vững và duy trì tăng trưởng trên nhiều khía cạnh, là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài”, ông Dũng nói và cho biết:

Quy mô và phạm vi của thị trường cũng đã ngày càng lớn mạnh. Tính đến cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2017, tương đương với 72% GDP năm 2018, đã vượt trước 2 năm chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường tiền tệ, giảm áp lực đối với hệ thống các ngân hàng.

TTCK đã và đang trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa việc huy động vốn, góp phần tích cực vào tái cơ cấu và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế; công tác tái cơ cấu thị trường đã được triển khai quyết liệt theo Đề án đã được phê duyệt.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, năm 2018 thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018. Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước cả về doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%).

Đặc biệt, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi NĐTNN rút ròng ở các thị trường trong khu vực, thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư thế giới với khả năng phát triển của thị trường Việt Nam. Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có một phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn.

Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các NĐTNN vào Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của NĐTNN năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, tương đương với giá trị cuối năm 2017 và khoảng hơn 1 tỷ USD tiền mặt. Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tao-moi-dieu-kien-de-ttck-viet-nam-vuot-kho-thanh-cong-85137.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.