Miền Trung không chỉ phát triển du lịch mà phải chú trọng công nghiệp, chế biến, chế tạo
19:21 | 16/02/2019
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung tại Hội nghị giao ban của Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) được tổ chức tại TP Huế, ngày 15/2/2019.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị giao ban của Hội đồng Vùng KTTĐMT |
Phải xem liên kết vùng là quan trọng nhất
Đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các tỉnh, thành trong Vùng có lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông, đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không; tốc độ đô thị hóa rất nhanh so với mặt bằng cả nước, vì vậy các tỉnh, thành phố trong Vùng cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường bằng nguồn lực và lợi thế sẵn có của mình. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng cần phải thay đổi tư duy phát triển để đánh giá đúng mức xem địa phương mình đang ở đâu để có niềm tin vươn lên.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Miền Trung không chỉ phát triển du lịch mà cần phải chú trọng phát triển công nghiệp, chế biến, chế tạo; bên cạnh đó cần phát huy lợi thế vùng miền núi để phát triển nông nghiệp, trồng rừng, bảo vệ môi trường. Phải xem việc liên kết phát triển là quan trọng nhất; đầu tư phát triển đường ven biển, đầu tư mở rộng sân bay cần nghiên cứu theo hướng xã hội hóa”. Thủ tướng cũng đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐMT phải trả lời được câu hỏi là yếu tố bức phá nào của Vùng để phát triển.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐMT cho biết, kinh tế - xã hội các địa phương trong Vùng đạt được những kết quả nhất định; tốc độ tăng trưởng GRDP toàn Vùng năm 2018 tăng khoảng 7,7%, cao hơn mức tăng của cả nước là 7,08%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đầu tư nâng cấp và phát triển; tổng mức đầu tư tăng trưởng khá. Đặc biệt, ngành du lịch tăng trưởng tốt, tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của toàn Vùng; các vấn đề xã hội từng bước được giải quyết, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện…
Để tạo đột phá phát triển Vùng KTTĐMT nói riêng, toàn vùng miền Trung và Tây Nguyên (19 tỉnh, thành phố) nói chung, đồng thời tăng cường mối liên kết hợp tác xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch giữa các địa phương, Hội đồng Vùng đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, giải quyết một số nội dung, cụ thể: Các tỉnh miền Trung có vị trí địa lý thuận lợi, là “mặt tiền” của Việt Nam ra biển Đông nên khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, quốc gia cần định hướng nội dung quy hoạch "xây dựng thành phố biển" trong vùng; Đồng thời, xác định việc phân vùng và liên kết vùng trong quá trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia bảo đảm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng vùng, trong đó có vùng duyên hải miền Trung.
Đặc biệt cho cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển dài 600 km từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định nhằm đảm bảo đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối và khai thác tốt hơn quỹ đất ven biển của các địa phương, góp phần thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, ANQP vùng duyên hải miền Trung… Ngoài ra, các tỉnh miền Trung cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng Quy chế điều phối, liên kết Vùng duyên hải miền Trung.
Cần chú trọng sản phẩm du lịch độc đáo
Tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên” vừa được tổ chức vào sáng nay (16/2/2019) cũng tại TP Huế, Thủ tướng đánh giá đây là hội nghị mang tầm quốc gia, có yếu tố quốc tế với sự có mặt nhiều cơ quan, bộ, ngành, đại biểu, doanh nghiệp lớn… Điều này nói lên quy mô, tầm quan trọng và vị thế của du lịch miền Trung và Tây Nguyên.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Triển lãm, giới thiệu hình ảnh, các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc trưng của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên |
Nhấn mạnh về tiềm năng phát triển, là nơi hội tụ nhiều tài nguyên du lịch: biển đảo, di tích lịch sử, sinh thái, núi rừng, hang động, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận..., tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những mặt tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch của miền Trung và Tây Nguyên. Đó là các dịch vụ vui chơi giả trí còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, tầm nhìn ngắn hạn dẫn đến tài nguyên du lịch bị tàn phá….
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, chú trọng kỹ năng thực tế, ngọai ngữ; cần đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các sản phẩm du lịch; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng; tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; các điểm đến; tăng cường liên kết du lịch; cần chú trọng sản phẩm du lịch phải độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục…
PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn Phát triển Vùng Duyên hải miền Trung cho rằng, để tạo tiền đề và cơ hội bứt phá phát triển cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên thì cần có sự đổi mới tầm nhìn, cải cách thể chế, giải tỏa những điểm nghẽn quốc gia ngành du lịch Việt Nam. Ông cũng đề nghị Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để họ chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau; cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới...
Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển Vùng Duyên hải miền Trung nêu một số kiến nghị liên quan đến chính sách và cơ chế tạo động lực nhằm phát huy thế mạnh kinh tế ven biển của Vùng duyên hải miền Trung, trong đó có mũi nhọn về phát triển ngành du lịch.
Cần xác định rõ cơ sở thực tiễn và pháp lý vùng kinh tế để lập quy hoạch Vùng và xây dựng cơ chế liên kết phát triển vùng; Phải xác định kinh tế ven biển miền Trung có vai trò động lực trong Chiến lược kinh tế 2021–2030; Ưu tiên xây dựng và hoàn thiện tuyến đường ven biển gắn với việc phát triển 5 trụ cột kinh tế ven biển mang tầm dự án quốc gia; Xây dựng cơ chế liên kết tạo điểm đến cho các “Vùng du lịch phía Bắc và phía Nam”; Xây dựng “Quỹ xúc tiến du lịch Vùng” và Nhà nước phân bố ngân sách đầu tư du lịch theo Vùng.
Ngoài ra, hội nghị cũng đặt ra nhiều kỳ vọng về chính sách cho liên kết vùng với 10 kiến nghị về chính sách đối với Thủ tướng Chính phủ. Các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch vùng miền Trung và Tây Nguyên; đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách và các giải pháp đột phá để đưa du lịch miền Trung và Tây Nguyên thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Phóng viên VPMT