Khe Rộng, bản của người Dao Nga hoàng Yên Bái (hay còn gọi là Dao quần chẹt), nghe thì tưởng như rộng lắm, mà thực ra chỉ là những lớp bình độ quanh chân núi được khai khẩn thành cánh đồng lúa rộng chừng vài ba mẫu với một cửa khẩu nhỏ. Trên đầu là núi, cao chất ngất, nhìn lên tưởng chừng như cái vung nồi mây trắng muốn úp xuống lúc nào cũng được.
Bản có gần ba trăm hộ, lưng nhà nào cũng bám vào mạch núi lớn Ban Mai để quần tụ, sinh sôi. Trên đồi, hoa quế, hoa đào rừng chen nhau nở làm thành những vệt chấm phá nhẹ nhàng, tình tứ giữa màu xanh núi đồi miên man khiến lòng người như nhẹ nhõm, phiêu diêu, gột hết phong trần phố thị.
Gốc gác người Dao Nga hoàng thì có nhiều kiểu giải thích lắm, cũng vì cái cuộc thiên di đầy bất trắc, gian khổ của mười hai dòng họ người Dao từ phía Bắc vượt Biển Đông từ những thế kỷ trước đến Việt Nam mà ly tán.
Cụ ông Dương Trung Hưng, người cao tuổi trong bản nói rằng: Nga hoàng không phải một tên gọi đặc trưng cho người Dao mình đâu, mà Nga hoàng là chỉ một vùng đất, nơi tổ tiên ngày xưa đã đến dựng nghiệp, sau đó chia ra về nhiều nơi lập bản, lập xã. Họ tự gọi Dao Nga hoàng là để nhớ lấy gốc gác mình đấy! Còn cái tên Khe Rộng thì cụ lắc đầu, bảo: “Không biết, từ xưa đã gọi vậy rồi”…
Ông nói tiếp: Lý lẽ người Dao mình cũng đơn giản lắm, nơi nào cho miếng ăn, nơi nào tộc người sinh sôi thì đó là quê hương, quê hương chính là nơi những cuộc thiên di dừng lại thành làng, thành bản. Cố hương là nơi để nhớ có mồ mả ông cha mình… Lễ Cấp sắc có ý nghĩa công nhận người đàn ông Dao đủ tuổi trưởng thành, được ban tên mới, được quyền tham gia các nghi lễ của bản, làng. Đồng thời cũng là lúc mời tổ tiên mình về chứng giám, những người con Dao tộc luôn giữ ý thức tộc hệ, gìn giữ và phát triển văn hóa bản sắc xây dựng quê hương giàu đẹp.
Lễ Cấp sắc lần này được tiến hành cho một chàng trai tên là Sơn. Sơn hiện đang công tác tại một huyện ủy trong tỉnh. Khi Sơn và các thầy đang mặc quần áo để làm lễ dâng hương thì cũng là lúc dân bản tụ tập về đông lắm. Họ náo nức muốn chứng kiến lễ dâng hương, khi người con trai của bản dưới sự dẫn dắt của các thầy mời tổ tiên về chứng giám, ban ơn cho được làm Lễ Cấp sắc.
Khi tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn réo lên, trước mặt tôi là những bóng áo thêu rồng, phượng bắt đầu nhảy theo nhịp, chân tay kết hợp nhịp nhàng nghiêng qua trái, qua phải đủ ba lần rồi quỳ xuống dâng hương… Nghi lễ ấy kéo dài khoảng ba mươi phút.
Ông Triệu Phú Tiên, một người được coi là am hiểu về tập tục phân tích: Tiến trình của Lễ Cấp sắc có rất nhiều tình tiết, nghi lễ phức tạp, diễn ra suốt ba ngày, hai đêm.
Theo truyền thuyết, xưa kia khi tổ tiên người Dao đang sinh sống trên các sườn núi, bỗng ma, quỷ xuất hiện. Chúng giết hại dân, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng. Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân. Nhưng mãi mà không hết, Ngọc Hoàng liền kêu gọi người trần gian cũng phải biết tự cứu lấy mình.
Tuy nhiên, vì người trần gian không có phép thuật nên hễ đánh là thua, nên Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền thuật phép cho những người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp cho một đạo sắc chỉ, phong thầy, để cùng với quân nhà trời xuống trần gian trừ yêu quái. Nhờ có sự hiệp lực đó mà tất cả ma quỷ đều bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh Cấp sắc (Quá tăng) cho những người đàn ông để sẵn sàng giúp dân trừ họa.
Lễ Cấp sắc ra đời từ đó và lưu truyền đến tận ngày nay. Người được cấp sắc mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương và được Bàn Vương phù hộ. Người không được cấp sắc thì cho dù tuổi già cũng vẫn bị coi là trẻ con và khi chết hồn không được đoàn tụ với tổ tiên. Và được cấp sắc thì làm ăn mới may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới thuận lợi, dòng tộc mới được phát triển.
Lễ Cấp sắc cũng chính là lễ đặt tên, đặt một cái tên “âm” mới cho chàng trai, đến khi chết, các thầy cúng sẽ gọi “tên âm” mà không sử dụng tên gọi như cuộc sống thường ngày. Vì vậy, cho dù tốn kém, họ vẫn tổ chức bằng được nghi lễ này.
Sắc do thầy cúng phát là một mảnh giấy viết chữ nôm Dao. Trong đó ghi lai lịch cá nhân, tên tuổi, những điều răn dạy và tên các thầy cúng tiến hành Lễ Cấp sắc đó. Thầy cúng sẽ cấp cho người thụ lễ hai bản sắc. Một bản đốt ngay trong quá trình tiến hành nghi lễ để báo với ông bà, tổ tiên, Bàn Vương chứng kiến và công nhận; một bản sẽ giao cho người thụ lễ.
Nó như vật chứng khẳng định người đàn ông đó đã trưởng thành, “lá bùa hộ mệnh” mang lại may mắn, bình an, bảo vệ con người. Khi chết đi, bản sắc đó được đốt trong đám tang để thánh thần, Bàn Vương nhận ra và thu nhận họ…
Các điệu múa trong Lễ Cấp sắc rất đặc sắc, nó có sự đan xen hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới. Một trong các điệu múa đặc sắc, vui nhộn nhất tại Lễ Cấp sắc là điệu “dâng hương”, “múa rùa” hoặc phần hát “páo dung”, các ông già bà cả quây quần trên sạp lớn hát đối đáp thâu đêm, suốt sáng…
Sau hồi dâng hương, gia chủ bắt đầu mời cơm khách. Mâm cỗ đơn giản là bát thịt lợn luộc, bát thịt lợn xào và bát rau bắp cải cùng chai rượu nút lá chuối. Nhưng mọi người ăn uống vui vẻ, chúc tụng nhau ầm ĩ. Trong nhà, các thầy cúng vẫn miệt mài làm nghi lễ.
Mỗi Lễ Cấp sắc, gia chủ phải thịt ba, bốn con lợn, sau khi làm lễ xong phải dành “tạ” công thầy cúng một ít, phần còn lại nấu nướng mời người trong bản đến ăn, coi như chung vui với dòng họ vì đã hoàn thành được nghi lễ, phong tục với Bàn Vương, tổ tiên của mình. Hơn chục năm nay các nghi lễ đã được lược giảm nhiều hủ tục, thời gian, đỡ tốn kém hơn trong tổ chức, nhưng vẫn giữ lại những nét đặc trưng cho việc thờ cúng tổ tiên của người Dao Nga hoàng nơi đây.
Lễ Cấp sắc chứa đựng nhiều giá trị to lớn về ý nghĩa giáo dục, triết lý nhân sinh quan, hướng con người tới cái thiện, tới cội nguồn tổ tiên. Khi một thanh niên người Dao được tổ chức Lễ Cấp sắc cũng là dịp cộng đồng nghe lại lịch sử hình thành dân tộc mình, tạo nên sự tự tôn dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó răn dạy mỗi người có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp.
Đó là sự hướng tới việc thiện, không làm điều ác, biết tôn trọng thầy, biết ơn cha mẹ, trung thực và giàu lòng vị tha... Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và cộng đồng dòng tộc…
Tiếng chiêng trống vẫn ngân lên trong chiều nhập nhoạng. Trên con đường khắc khổ ổ trâu, ổ gà tôi trở ra là màu tươi mới của những căn nhà cao tầng, có căn trị giá cả tỷ đồng. Anh chàng “xe ôm” Lý Tư rểnh rảng: Người dân ở đây giàu lên từ cây quế, măng tre bát độ đấy! Anh chỉ lên những ngọn núi loang lổ màu xanh thẫm của lá quế, xanh nhàn nhạt của bồ đề, keo và ua úa của đám măng tre bát độ đang sẵn đợi cơn mưa đầu mùa mà trổ những lứa măng vạm vỡ. Anh nửa đùa, nửa thật: Ấy, “của chìm của nổi” đấy anh ạ!
Xa tít những mảnh nương rẫy phơi màu đất nâu bạc đã vắng bóng người. Họ nghỉ ngơi công việc nương rẫy, đồng áng để chơi xuân và như lời cụ ông Hưng vọng theo: Người ở đây gọi là “ăn lễ” đấy. Ăn Lễ Cấp sắc. Năm nào cũng có vài lễ tổ chức khi đến kỳ, lễ nào cũng đông đủ anh em trong bản đến ăn. Đấy cũng là cách để duy trì, giữ gìn gốc gác, phong tục bản sắc dân tộc mình và dựng xây thêm mối đoàn kết tộc người bền chặt vượt qua bao biến thiên của xã hội, của đời người…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xuan-nay-ve-ban-dao-vui-cap-sac-84720.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.