Tết chậm

Con người vẫn thế, thường cái gì đã qua đi mới hay tiếc nhớ, trân quý. Con người đối xử với thời gian, thứ tài sản hữu hạn cũng theo cách đó. Có những lúc chúng ta tiêu xài thời gian một cách lãng phí, để nó trôi đi trong vô nghĩa. Ai cũng có tuổi xuân. Tuổi xuân mỗi người cứ lặng im trôi qua và chúng ta cũng lặng lẽ già. Bài học ấy, phải đến một độ tuổi nào đó mới bắt đầu thấm thía và hiểu rõ ngọn nguồn.

Chúng ta bị cuốn sâu vào cuộc mưu sinh vội vã, tấp nập, gấp gáp. Thậm chí nhanh đến nỗi, đôi khi ta phải bàng hoàng sửng sốt như thể điều không ngờ tới.

Từ khi nào, không biết nữa, đã có câu “thời gian là vàng bạc”. Con người chạy đua với thời gian. Máy móc và trí tuệ nhân tạo cũng dường như thách thức trêu ngươi sự “chậm chạp” của con người... Và, không có cách nào khác, mỗi chúng ta đều phải gồng mình tăng tốc mong sao cho kịp với guồng quay chóng mặt của dòng chảy ấy. Khi lâm vào căng thẳng, con người bắt đầu sợ thời gian, sợ tốc độ, sợ thế giới ngập tràn hàng hóa và vật chất, sợ cả những món ăn nhanh...

Người ta muốn sống chậm lại, lắng lại, chậm lại để mong thấy một miền tĩnh lặng trong tâm hồn, để tạm lánh xa cả những công việc bộn bề. Chúng ta muốn trốn thành phố ồn ào tấp nập, tìm về những miền quê yên tĩnh, vắng tiếng ồn của máy móc xe cộ, nhưng hào phóng tiếng gió, tiếng chim chóc và sắc diệp lục. Nhiều người tìm về các resort để nghỉ ngơi, xả bớt căng thẳng, ngột ngạt, tiếp thêm năng lượng, dũng khí cho hành trình mà mỗi người phải vượt qua áp lực sắp tới.

Đến ngay cả Tết, người ta cũng lo Tết. Mà thật, những ngày Tết giờ đây cũng trôi qua quá nhanh. Mỗi người lo toan cả tháng giời, vèo trôi mấy ngày rồi… hết. Để chuẩn bị cho Tết bây giờ người ta cũng phải vắt chân lên cổ chạy lo sắm đồ. Công nghệ và các dịch vụ có thể phục vụ ta tất cả, nhưng không thể nghĩ thay, mà chúng ta phải chi tiền cho tất cả điều đó.

Vậy nên, càng ở những đô thị “chạy nhanh” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, người ta càng ngại Tết, bởi phải lỉnh kỉnh mua sắm. Và người ta bận bịu đến nỗi không thể chậm lại được. Lại nữa, Tết đến và qua nhanh có nghĩa là một năm cũng vèo trôi, nghĩa là những cột mốc tuổi tác cũng nhanh chóng vuột qua trước mắt… người ta không khỏi có chút hoang mang trong đời sống ngắn ngủi.

Cái gì quá tải cũng không tốt. Frederick Oliver thật có lý khi nói rằng: “Nếu có việc gì đáng làm, nó đáng được làm chậm rãi”. Cuộc sống hiện đại đã khiến con người cứ phải dấn bước, nhanh chóng để theo kịp guồng quay xã hội. Mà nhanh cũng sẽ có lúc trở thành… quá tải. Cho nên con người ngày nay mới phải tập ngồi thiền, tập yoga nhiều hơn, tập cười và có những câu lạc bộ tập cười ra đời.

Xét đến cùng, dịp Tết là cơ hội cho nhiều người xả hơi, ít nhất trong một đến hai ngày. Nhiều người thành phố đổ về quê đoàn tụ với gia đình, sống chậm, thanh thản bên những ngôi nhà cổ, nhà vườn, dưới nếp rêu phong cổ kính của làng quê, cùng hòa vào nền nếp sinh hoạt lễ nghĩa họ mạc. Họ tham gia các chợ phiên nơi vùng quê.

Cũng mặc cả, cũng ngã giá, nhưng chỉ để cho vui, nở nụ cười sảng khoái. Họ cần đón lấy cái ân cần, tử tế, chân chất, đong lấy cái tình cái nghĩa ở nơi làng quê. Thực chất là muốn đắm vào sự phóng khoáng mộc mạc của đời sống dân sinh, nhàn tản ngắm hoa, chăm hoa, đón tiếp họ hàng, nấu những món ăn giản dị.

Có người lại chọn cho mình cái Tết bằng chuyến đi phượt thật xa, để tìm cảm giác mới, hít thở khí trời ở nơi vùng biên viễn, rừng núi hoang sơ, chụp những tấm ảnh hoa cỏ trong tiết xuân ấm, chớp lấy hình những em bé mặt nhem nhuốc nơi cao nguyên đầy gió, thưởng thức những món ăn của các dân tộc ít người...

Đó là nhu cầu có thật, ngày càng nhiều và thậm chí đã thành một trào lưu. Nhiều gia đình đã cùng nhau lên những kế hoạch từ trước đó cả tháng. Bởi với họ, đi theo nhóm gia đình tạo nên những hứng khởi cho tất cả các thành viên. Cốt lõi của vấn đề là hòa quyện với thiên nhiên.

Ngay cả với tôi, đó cũng là một sự khao khát. Chỉ thiên nhiên mới giúp tâm hồn ta thư thái, bình tâm lại, ngẫm nghĩ về những giá trị của cuộc sống. Thiên nhiên độ lượng hơn chúng ta tưởng. Thiên nhiên đã dưỡng nuôi con người, chở che và gìn giữ. Thiên nhiên đã chịu những áp lực lớn lao do cuộc sống con người mang lại, ứa máu vì hệ quả của lối sống nhanh và gấp gáp của con người, rồi thiên nhiên vẫn nhẫn nại tiếp nhận con người trong cuộc vùng vẫy đi tìm sự thanh thản và ngọt mát.

Có nhà văn hóa đã thốt lên: Không ai có thể cưỡng lại được cỗ máy thời gian. Suối thời gian cứ tuôn chảy, khiến nhiều người lo lắng. Cuộc sống cũng có quá nhiều sự thúc bách, ngột ngạt, thậm chí bận bịu đến mức người ta không còn thời gian để xem mình bao nhiêu tuổi, khuôn mặt mình đã già đi mấy phần. Nên có những người mải mê làm lụng, đầu tắt mặt tối, khi ngẩng mặt lên mới biết mình… già.

Ai rồi sẽ có lúc chẳng còn đam mê tốc độ nữa…

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tet-cham-84669.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.