![]() | Vững tin vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam |
![]() | Việt Nam sẽ là điểm đến của làn sóng dịch chuyển đầu tư |
Trên thực tế, gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc nhà đầu tư ở Trung Quốc có ý định dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam. Đơn cử, Công ty Brooks Running đang cân nhắc bỏ Trung Quốc để chuyển sang thị trường Việt Nam. Công ty này được mệnh danh là “Vua giày chạy bộ chuyên nghiệp”.
![]() |
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang cân nhắc có nên chuyển nhà máy sang Việt Nam |
Giám đốc của Brooks cho biết, nếu công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam hay một nơi nào khác, quyết định này sẽ vĩnh viễn, tức là sẽ không được lật ngược, bởi vì “chúng tôi không thể đánh đu với đường dây cung cấp của chúng tôi”.
Đặc biệt, Tập đoàn Foxconn cũng được cho là đang thảo luận việc di dời nhà máy sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Việt Nam... Tuy nhiên, phía tập đoàn này vẫn chưa có thông tin chính thức.
Có thể thấy đến nay, các nhà đầu tư dường như vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc sẽ chuyển khỏi Trung Quốc. Ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia) chia sẻ, sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc - hơn một tỷ dân là rất lớn.
Do vậy, việc nhà đầu tư quyết định từ bỏ một thị trường lớn là điều không hề dễ dàng. Hơn nữa, Trung Quốc là cơ sở sản xuất toàn cầu nên rời bỏ Trung Quốc, các nhà đầu tư sẽ phải tính đến tăng chi phí sản xuất của DN.
Tuy nhiên không phủ nhận một thực tế là nhiều DN đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và chọn Việt Nam trở thành điểm đầu tư. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức từ việc chuyển hướng thương mại và đầu tư do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Theo đó, để đối phó với hàng rào thương mại của Mỹ, Trung Quốc có thể thực hiện đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Một khả năng nữa là DN Trung Quốc có thể sử dụng Việt Nam như thị trường trung gian. Nếu Việt Nam không giám sát và phòng ngừa hiệu quả khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ với mục đích tránh mức thuế cao thì sẽ gặp phải nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế và thậm chí chịu các biện pháp trừng phạt kèm theo.
Theo số liệu của Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI, tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, có 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế.
Ngoài ra, có một phần thường không được thống kê trong các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp đó là chống lẩn tránh thuế. Cho đến nay Việt Nam đã bị kiện chống bán phá giá chống lẩn tránh thuế tất cả là 17 vụ và trong 17 vụ này EU chiếm nhiều hơn cả, song có 16/17 vụ có vụ kiện gốc là Trung Quốc.
“Bản thân một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu của Việt Nam trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường cũng là một nhiệm vụ khá khó khăn”, ông Dương nhận định.
Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc áp thuế của Mỹ sẽ làm Trung Quốc giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gây khó khăn hơn cho các DN xuất khẩu Trung Quốc khi tiếp cận thị trường của Mỹ, đặc biệt là thị trường công nghệ cao. Do đó, các DN Trung Quốc sẽ buộc phải tìm kiếm các thị trường khác để thay thế xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong đó có thị trường gần là Việt Nam.
Trung Quốc sẽ tìm cách đầu tư sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và từ đó lại xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ. Do đó, Việt Nam và các nước châu Á có thể bị biến thành “sân sau” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Kết quả là chính Việt Nam và các nước châu Á khác có nguy cơ nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ trong tương lai.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để đón đầu thu hút các DN nước ngoài, gồm cả DN Mỹ và DN nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc, nếu như có sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc của các DN này.
Với DN Việt Nam, cần quan sát chặt chẽ động thái từ các thị trường, từ các quyết định cấp vĩ mô của các Chính phủ, các diễn biến ở các thị trường quan trọng liên quan đến tình hình tài chính, thị trường mua bán hàng hóa tương lai, đến các quyết định của các đối tác thương mại hiện tại và tiềm năng.
Ngoài ra, các DN cần tận dụng triệt để những hiệp định thương mại đang hoặc sẽ có hiệu lực, đặc biệt là đón đầu được EVFTA và CPTPP để chủ động tính toán các biện pháp thích hợp tận dụng cơ hội hoặc tránh thiệt hại ở mức có thể.
Các chuyên gia cũng cho rằng, DN Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy ra. Đặc biệt, DN cần thận trọng liên kết hay làm cầu nối thương mại giữa các DN Trung Quốc với thị trường Mỹ, để hạn chế rủi ro.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khi-lan-song-dau-tu-dich-chuyen-vao-viet-nam-84636.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.