Hiệp hội đoàn kết các doanh nghiệp

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta hiện nay, các DNNVV sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép cạnh tranh cả trong và ngoài nước...
Doanh nghiệp hội nhập quốc tế: “Trợ lực” từ phía ngân hàng
Khi hiệp hội nhập cuộc

Đặc biệt, với các DNNVV ở các địa phương có nhiều hạn chế về nguồn lực, thông tin… thì việc liên kết, tham gia hiệp hội DN là một lựa chọn đúng đắn và cần thiết. Chức năng chính của hiệp hội là đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ cả trong nước và quốc tế. Do đó, việc tập hợp và đoàn kết lại trong hiệp hội là một giải pháp tất yếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN.

Hiệp hội đoàn kết các doanh nghiệp
Việc tập hợp và đoàn kết lại trong hiệp hội là một giải pháp tất yếu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN

TS. Phùng Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh, trong 3 năm 2016, 2017 và 2018, số DN thành lập mới liên tục tăng với con số kỷ lục là hơn 100 nghìn DN, tăng 17-18% về số lượng, với số vốn đăng ký trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng 44-45%. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy kết quả của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN.

Trong những năm qua, Hiệp hội DN tỉnh Bắc Giang đã tăng cường vai trò của mình trong hỗ trợ DNNVV. Theo đó, hiệp hội đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan, tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức hội, thu hút đông đảo thành viên tham gia, thực sự trở thành cầu nối giữa các hội viên với các sở, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ DN.

Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các DN hội viên tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền để kịp thời giải quyết. Duy trì thường quý các phiên “Cafe doanh nhân” theo hướng thực chất và hiệu quả, chủ động tổ chức và vận động hội viên tích cực tham gia các cuộc đối thoại với lãnh đạo tỉnh theo các lĩnh vực riêng như thuế và hải quan, thủ tục hành chính trong đầu tư, đất đai về giải phóng mặt bằng… để các DN hội viên có điều kiện phản ánh và kiến nghị trực tiếp với lãnh đạo tỉnh những khó khăn vướng mắc của DN.

Đồng thời, góp ý kiến vào các cơ chế chính sách, các quy định của địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để DN phát triển ngày một tốt hơn.

Bên cạnh đó, hiệp hội còn làm đầu mối và tạo điều kiện để các DN hội viên liên doanh, liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh, tổ chức kết nối cung cầu nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ và khuyến kích giúp DN tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Theo đó, để thúc đẩy và tạo điều kiện cho DNNVV phát triển một cách bền vững, trong năm 2019 và những năm tới, hiệp hội tiếp tục tập trung vào hỗ trợ các DN về công nghệ, tiếp cận tài chính, tín dụng. Bên cạnh đó, là hỗ trợ về thông tin, phát triển nguồn nhân lực; về phát triển các vườn ươm, nâng cao năng lực hội nhập. Đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới, sáng tạo trong DN...

Ông Đoàn Bá Nhiên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực tế cho thấy phát triển DN của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Có thể kể đến như khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; khả năng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước; năng lực quản trị của DN chưa cao…

Do đó, hiệp hội đã chủ động có những hoạt động khắc phục những hạn chế đó, khuyến khích và tạo sự đoàn kết để các DN phát triển. Đồng thời, hiệp hội DN tỉnh còn chủ động phối hợp với các sở, ngành xây dựng và hình thành một số DN đầu đàn, DN chiến lược ở mỗi lĩnh vực đề nghị UBND tỉnh có cơ chế đặc thù hỗ trợ, giúp đỡ để DN đủ sức làm đối tác kêu gọi đầu tư, liên danh và thực hiện một số nhiệm vụ chiến lược của tỉnh.

Có thể khẳng định, DNNVV là bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói, giảm nghèo… Chính vì vậy, rất cần có sự tăng cường vai trò của Hiệp hội DN để hỗ trợ khu vực DN này, khu vực năng động nhưng cũng dễ tổn thương nhất này phát triển.

Muốn vậy, cần nâng cao năng lực các tổ chức hiệp hội DN, đảm bảo tham gia thực hiện tốt các chính sách, chương trình trợ giúp của Nhà nước, chủ động đề xuất và kiến nghị các chính sách nhằm hỗ trợ DNNVV tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, hiệp hội DN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, thu hút đông đảo hội viên tham gia, thực sự trở thành cầu nối giữa các hội viên với các sở, ban, ngành, lãnh đạo chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ DN; kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc, kiến nghị của các DN hội viên để báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và kịp thời tháo gỡ. Chủ động tổ chức các cuộc đối thoại DN với lãnh đạo tỉnh.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hiep-hoi-doan-ket-cac-doanh-nghiep-84498.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.