Tiềm lực tài chính quốc gia tăng lên đáng kể

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trọng tâm của năm 2019 là tăng cường kỷ luật ngân sách, chi ngân sách chỉ được chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao, phối hợp chặt chẽ trong điều hành vĩ mô.
Để thu bền vững ngân sách từ đất
Cân đối ngân sách không đảm bảo thì tăng trưởng không mấy ý nghĩa
Ngành Tài chính phải hướng đến tăng tỷ trọng thu nội địa, giảm chi thường xuyên
Tiềm lực tài chính quốc gia tăng lên đáng kể
​Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cùng với những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN trong năm 2018 cũng rất toàn diện và đáng mừng. Đâu là điểm nổi bật nhất, thưa Bộ trưởng?

Năm 2018, bộ đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN và tài chính công năm 2018 đạt kết quả khá toàn diện, đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Cùng với kinh tế tăng trưởng cao hơn kế hoạch, kết hợp với các giải pháp đã thực hiện, thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán, tỷ lệ động viên đạt khoảng 25,7% GDP, riêng thuế và phí trên 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Thu nội địa bằng 80,6% tổng thu NSNN. Nhờ đó đã đảm bảo được các nhiệm vụ chi theo dự toán và có thêm nguồn lực để xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh. Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 25-26%), tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn dưới 62% tổng chi NSNN.

Chi NSNN được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bội chi khoảng 3,67% GDP. Tiềm lực dự trữ quốc gia đã được nâng lên đáng kể, bảo đảm kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh. Quản lý nợ công có tiến bộ, nợ công chỉ khoảng 61% GDP, các chỉ tiêu nợ công được cải thiện, thời hạn khoản vay tiếp tục được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.

Vậy đâu là giải pháp cơ bản quyết định nhất tạo nên kết quả thu ngân sách tốt như vậy?

Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành NSNN theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán trong mọi tình huống. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện với các giải pháp điều hành chủ động, tích cực.

Bộ đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quyết liệt xử lý nợ thuế. Đặc biệt công tác cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

Chi NSNN được điều hành với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện, chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Quán triệt sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công khai, minh bạch sử dụng NSNN...

2018 là một năm thành công kép vừa tăng trưởng cao vừa giữ được lạm phát ở mức Quốc hội cho phép. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sự phối hợp điều hành trong quản lý giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô?

Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục); tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký, kê khai giá; xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện bình ổn thị trường trong các dịp lễ, tết... góp phần thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát, nên CPI bình quân chỉ tăng 3,54%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,48% so với năm 2017.

Bộ đã đặt mục tiêu năm 2019 phấn đấu tăng thu ngân sách 5% so với dự toán Quốc hội giao và đạt tỷ lệ động viên ở mức 23,5% GDP. Tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công; đến cuối năm 2019 dư nợ công khoảng 61% GDP. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp sẽ thực hiện?

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, hướng tới phấn đấu hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp.

Thứ hai là điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại NSNN. Quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW.

Thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tài sản công; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa DNNN. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, nhà nước còn định giá, bình ổn giá. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, đẩy mạnh phát triển thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới...

Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ tài chính - NSNN quan trọng đặt ra cho năm 2019 là tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục với tinh thần đó, trong năm 2019 Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao dự toán chi NSNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách khẩn trương, đảm bảo nguyên tắc phân bổ tập trung, chống dàn trải. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, các công trình cấp thiết dở dang; Ưu tiên đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, xử lý nợ đọng và thu hồi vốn ứng trước.

Chỉ được chi NSNN trong phạm vi dự toán ngân sách được giao, kiểm soát chi chặt chẽ bảo đảm theo đúng mục đích, đúng chế độ.

Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài. Bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công. Không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm...

Ba là, tăng cường công tác kiểm soát chi, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán NSNN nghiêm minh, thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách. Đẩy mạnh công khai sử dụng NSNN, tài sản công theo quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tiem-luc-tai-chinh-quoc-gia-tang-len-dang-ke-84486.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.