​Động lực để nông nghiệp phát triển bền vững

Là ngân hàng đầu tư chủ lực khu vực nông nghiệp nông thôn, Agribank đang cùng ngành Ngân hàng và các bộ, ngành có những hành động và giải pháp cụ thể để nông nghiệp Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong tương lai.

Nền nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, đặc biệt trong năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí cường quốc trong xuất khẩu nông sản.

​Động lực để nông nghiệp phát triển bền vững
Cà phê hữu cơ Tây Nguyên được sản xuất và chế biến đúng quy trình, chiếm lĩnh được thị trường

Bệ phóng cho nông nghiệp cất cánh

Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, sản xuất nông nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.

Năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân nên nông nghiệp Việt Nam đã đạt những thắng lợi toàn diện.

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây và vượt xa kế hoạch đề ra. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục với 40 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đã đạt 42,4% số xã và 61 huyện, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho Ngành trong năm 2018…

Có được kết quả trên trước hết do Đảng và Nhà nước đã, đang quan tâm sâu sắc, toàn diện và có những chính sách chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt để phát triển nông nghiệp nông thôn. Những chính sách đó được ra đời và điều chỉnh tùy theo tình hình thực tiễn và phù hợp với nhu cầu của người dân từng thời kỳ.

Cụ thể: Nghị định 41/2010/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 55/2015/NĐ-CP và nay có Nghị định 116/2018/NĐ-CP là những văn bản quan trọng tạo nên bước đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Là ngân hàng đầu tư chủ lực vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên Agribank xác định rõ nhiệm vụ của mình làm thế nào triển khai hiệu quả chính sách thông qua việc cung ứng đủ vốn cũng như đưa ra nhiều chính sách đảm bảo đồng vốn đến nhanh, thuận lợi nhất đối với người dân khu vực nông nghiệp nông dân nông thôn.

Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng luôn dành trên 70% tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và chiếm tới hơn 50% thị phần tín dụng ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.

Bằng nhiều giải pháp quyết liệt đồng bộ, lượng vốn đầu tư của Agribank vào khu vực nông nghiệp nông thôn tăng trưởng đều và cao hơn mức chung của toàn Ngành.

Agribank hiện đang triển khai 9 chương trình tín dụng chính sách: Cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/Tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo QĐ 63, 65, 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN; Cho vay xây dựng nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch”...

Các chương trình tín dụng của Agribank được triển khai đồng bộ đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước.

Tính đến cuối năm 2018, quy mô tín dụng và đầu tư của Agribank đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước, tăng gấp 3 lần so với năm 2008, trung bình dư nợ tăng trưởng 13%/năm cũng cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn Ngành. Trong đó tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt 70,5% tổng dư nợ của Agribank.

Những nghị định trên được ra đời dựa trên văn bản quan trọng mang tính chất xương sống, đó là Nghị quyết 26-NQ/TW - Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Năm 2018, cũng là năm nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và nông nghiệp Việt Nam, thực sự đã có những thành tựu nổi bật, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Cũng trong dịp này, Agribank vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Để nông nghiệp phát triển bền vững

Theo đánh giá của giới chuyên môn, nông nghiệp, nông thôn là ngành sản xuất đặc thù, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chưa kể đến vấn đề giá cả và đầu ra cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường…

Để nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có bước phát triển tốt trong năm 2019 và những năm tiếp theo, hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá và thậm chí là mất mùa mất giá của một số nông sản chủ lực của một số vùng miền… cần cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc tháo gỡ những rào cản, tạo động lực để nông nghiệp phát triển bền vững...

Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cần được tăng cường đầu tư đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá... để từ đó tạo những điều kiện tốt nhất cho phát triển nông nghiệp một cách toàn diện.

Về phía nhà nước cần xây dựng quy hoạch phù hợp đặc điểm kinh tế vùng, định hướng ngành, các vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những vùng tập trung quy mô lớn, mô hình chuỗi giá trị liên kết trên cơ sở thế mạnh và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chuỗi liên kết giá trị nông sản phải chặt chẽ và mở rộng quy mô lớn hơn nữa để đem đến giá trị tốt hơn cho nông sản Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nâng cao chất lượng nông sản Việt cũng đang là một trong những bài toán cần lời giải hiện nay.

Theo đó, việc đầu tư sản xuất nông sản sạch đáp ứng yêu cầu lớn hơn của thị trường sẽ phải phát triển sâu rộng, song song với đó các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc giám sát và kiểm định chất lượng hàng hóa… Có như vậy những sản phẩm sạch, chất lượng cao mới thực sự đứng vững trên thị trường và niềm tin của người tiêu dùng mới được củng cố và gia tăng.

Đầu tư lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên Agribank thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn từ những rủi ro thiên nhiên, thị trường tiêu thụ. Đồng vốn Agribank gửi gắm nơi các hộ dân, nơi những miệt vườn nông sản… cũng theo đó mà gập ghềnh theo.

Theo đề xuất của lãnh đạo ngân hàng, lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp cần được phát triển sâu rộng hơn nữa để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân cũng như là ngân hàng. Đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp cần được mở rộng, đơn giản hóa thủ tục, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho người tham gia sản xuất nông nghiệp…

Ở một góc độ khác, để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, nguồn vốn cung ứng cho lĩnh vực này cũng cần được bồi đắp. Agribank đang thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng: trọng trách của một ngân hàng nhà nước đi đầu thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho khu vực tam nông nhưng đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh như những NHTM khác.

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ song song đó, Agribank đã và đang nỗ lực rất nhiều, huy động sức mạnh toàn hệ thống và chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận của mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Để đồng vốn Agribank có thể đóng góp tốt hơn nữa cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Agribank mong muốn kịp thời được sớm cấp bù số tiền hỗ trợ lãi suất, bổ sung vốn điều lệ…

Với những tiềm năng sẵn có trong lĩnh vực nông nghiệp, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị trong đó có Agribank, niềm tin về một nền nông nghiệp Việt Nam 10 năm tới, sẽ đứng trong top 15 nước có ngành nông nghiệp phát triển nhất thế giới, trong đó chế biến nông sản là top 10 thế giới… như Thủ tướng Chính phủ đặt kỳ vọng có thể sớm thành hiện thực.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dong-luc-de-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-84444.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.