![]() | Thành phố di sản Hạ Long - Rồng Việt Nam đang cất cánh |
![]() | Khi di tích bắt tay làm du lịch |
Những năm qua, số lượng các di sản thế giới được UNESCO công nhận không ngừng tăng lên. Và ASEAN – khu vực có nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới và các di sản đều đã và đang trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng du lịch của các quốc gia. Đồng thời đem lại lợi ích thiết thực về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân.
![]() |
Quảng Ninh phát huy tốt thế mạnh di sản vào phát triển du lịch |
Vì vậy phát triển du lịch dựa vào văn hóa, di sản - tài nguyên bất tận của các nước ASEAN cần được các quốc gia ASEAN khai thác triệt để. Song kết nối các di sản ASEAN như thế nào? Bằng cách nào đã được đại diện các nước ASEAN đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến, giải pháp ứng dụng cụ thể của thành tựu công nghệ mới trong kết nối và phát triển du lịch di sản ASEAN tại Hội nghị chuyên đề “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số” trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) mới đây. Hội nghị được đánh giá là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của ATF 2019, là diễn đàn trao đổi những sáng kiến, giải pháp ứng dụng cụ thể thành tựu công nghệ mới trong kết nối và phát triển du lịch di sản ASEAN.
Bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển hiện nay, sự sáng tạo, thúc đẩy khám phá, cùng với những cam kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản mạnh mẽ đang đặt ra tiền đề phải liên kết mới phát triển du lịch di sản ASEAN, gia tăng giá trị trong phát triển du lịch khu vực và tạo nên sức mạnh của sự thống nhất, góp phần vào sự thịnh vượng của các nước thành viên.
Các trao đổi, giải pháp đưa ra tại hội nghị đều bày tỏ thái độ trân trọng quá khứ và cùng hướng tới phương thức tiếp cận mới – kết nối giá trị di sản vào phát triển du lịch ASEAN nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực, vừa nâng tầm du lịch ASEAN lên một tầm cao mới vừa góp phần thúc đẩy phát triển cộng đồng kinh tế, cộng đồng chính trị - an ninh và cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN.
Ông Peter DeBrine, chuyên gia cao cấp dự án thuộc Ban Di sản thế giới UNESCO thừa nhận, nhờ việc ứng dụng những giải pháp công nghệ số, các nhà quản lý góp phần thúc đẩy, khuyến khích các di sản thế giới phát triển bền vững, mà vẫn đạt được các mục tiêu bảo tồn. Bởi công nghệ ngoài vai trò bảo vệ cảnh quan, không chỉ giúp chúng ta mà còn cho thế hệ tương lai. Đó là mục tiêu quan tâm hướng tới của UNESCO. Tôi rất thích ý tưởng về một ASEAN thống nhất, bằng cách làm việc chung, hợp tác cùng nhau, để hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch bền vững, ông Peter chia sẻ.
Nhằm tận dụng tốt công nghệ vào kết nối kỹ thuật số, PGS. Lee Seul Ki, Giám đốc Trung tâm Phân tích dữ liệu ngành du lịch (TIDAL), Hàn Quốc khuyến nghị tới hội nghị cần nâng cao khả năng kết nối của du khách (không cần đổi SIM điện thoại, hỗ trợ dịch vụ điện thoại di động…); Chia sẻ dữ liệu về dòng du khách giữa các điểm di sản;
Xây dựng tour du lịch có chất lượng tiêu chuẩn và ổn định cho các điểm di sản ở ASEAN: có thuyết minh đa ngôn ngữ, giới thiệu thông tin về lịch sử và di sản của ASEAN; Chia sẻ dữ liệu khách du lịch trước, trong và sau tour du lịch để hiểu biết kỹ hơn về du khách và nhu cầu của họ; Hình thành các sản phẩm đặc trưng, bổ trợ lẫn nhau giữa các điểm đến ASEAN.
Một khi tất cả các quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch nghiêm túc tập trung vào việc phát triển công nghệ kỹ thuật số thì dù đó là các điểm đến ít người biết sẽ trở nên phổ biến hơn trên thế giới. Đơn cử, hiện chúng ta đang có mạng lưới kết nối giữa Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Myanmar, bà Supawan Teerarat, Phó Chủ tịch Cơ quan Đổi mới chiến lược và Phát triển kinh doanh Thái Lan cung cấp tới hội nghị.
Dẫn thực tế từ Việt Nam, trong năm 2017, chỉ riêng các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách (trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu từ vé tham quan đạt trên 2.500 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thương hiệu riêng của các địa phương có di sản.
Con số trên càng thuyết phục hơn về sự đóng góp có hiệu quả của các di sản vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư nơi có di sản. Vì vậy di sản không chỉ được coi là nguồn lực hấp dẫn của du lịch, mà phát triển du lịch muốn bền vững cần gắn với di sản vừa góp phần bảo vệ vừa phát huy có hiệu quả giá trị của hệ thống di sản Việt Nam.
Được biết, Đà Nẵng vừa tổ chức ra mắt Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng. Ngân hàng này hiện lưu trữ 3.368 tư liệu về văn hóa phi vật thể của thành phố Đà Nẵng, gồm: 248 tư liệu ghi chép ở dạng bài viết; 3.043 tư liệu hình ảnh; 64 tư liệu phim; 13 tư liệu ghi âm và sưu tầm một số tư liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam.
Việc ra mắt Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng là một yêu cầu cấp thiết nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin học vào công tác sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Đà Nẵng; đồng thời là hình thức quảng bá, giới thiệu với công chúng hữu hiệu, kịp thời về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Đà Nẵng và cả nước được lưu trữ tại đây.
Kết quả của hội nghị sẽ trở thành thông điệp hành động để ASEAN và các quốc gia thành viên cùng chung tay tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số lưu trữ thông tin, giới thiệu quảng bá về hệ thống di sản thế giới của ASEAN để phát triển du lịch thông qua công nghệ thực tế ảo Internet vạn vật; Ở đó di sản sẽ có giá trị trường tồn, khách du lịch, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, nhà nước, các tổ chức quốc tế và tất cả các bên liên quan đều có thể hưởng lợi dưới nhiều hình thức khác nhau, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn và kỳ vọng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ket-noi-di-san-phat-trien-du-lich-trong-thoi-dai-so-84405.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.