Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy nội lực, tập hợp trí tuệ đóng góp cho phát triển

Chiều ngày 9/1, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy nội lực, tập hợp trí tuệ đóng góp cho phát triển
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng chí Trần Quốc Vượng đã đánh giá cao Ban Kinh tế Trung ương có nhiều đổi mới, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, nhiều đề án có ý nghĩa tầm chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đã góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ban Kinh tế Trung ương cũng đã thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng như huy động được sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu lớn của cả nước.

Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy nội lực, tập hợp trí tuệ đóng góp cho phát triển
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, trong năm 2019, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Kinh tế Trung ương là tiếp tục nâng cao chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết trong năm qua, một trong những hoạt động nổi bật nhất của Ban là đã chủ trì và hoàn thành 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý I/2019.

Từ năm 2016 đến nay, Ban đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 1 đề án trình Ban Bí thư.

Bên cạnh các kết quả nổi bật về công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất, Ban cũng đã hoàn thành tốt công tác tham gia ý kiến, thẩm định các đề án, dự án, báo cáo về kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ riêng năm 2018 đã tham gia ý kiến đối với 129 đề án, dự án, tờ trình về kinh tế - xã hội, văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết đã được Ban chú trọng thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tốt.

Ban Kinh tế Trung ương: Phát huy nội lực, tập hợp trí tuệ đóng góp cho phát triển
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong công tác nghiên cứu, xây dựng các đề án trình Trung ương, Bộ Chính trị và đồng tổ chức các sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết thêm: Một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng Chính phủ trong công tác nghiên cứu, thẩm định các đề án và đồng tổ chức các sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như diễn đàn kinh tế, diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0, hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Ban Kinh tế Trung ương với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy đã thể hiện sự thống nhất của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo tuyệt tối và toàn diện của Đảng.

Trưởng ban Nguyễn Văn Bình cho biết, bước sang năm 2019, năm bản lề chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng phương hướng công tác, trong đó chú trọng vào thực hiện tốt các nhiệm vụ phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và các nhiệm vụ theo chương trình công tác đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

Ban Kinh tế Trung ương đề xuất được tổ chức định kỳ hàng năm Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng để có thể triển khai nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Đồng thời, Ban cũng đề xuất về chủ trương cho phép một số tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tái lập Ban Kinh tế tại một số địa phương có chọn lọc đi đôi với việc rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng có chức năng tham mưu về kinh tế - xã hội thuộc văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy hiện nay.

Để đạt được các kết quả này, Ban Kinh tế Trung ương đã phát huy tốt được nội lực và trí tuệ của tập thể ban lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban; đồng thời phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; các đồng chí đại diện Ban Cán sự Đảng Chính phủ; lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Đã có nhiều tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Trong đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thay mặt Ban Cán sự Đảng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị.

Đánh giá cao những việc Ban Kinh tế Trung ương đã làm, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phát biểu: “Kết quả hoạt động của Ban kể từ khi tái lập, nhất từ trong những năm gần đây đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta trong việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc có tầm chiến lược cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư các vấn đề lớn về kinh tế - xã hội”.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ban-kinh-te-trung-uong-phat-huy-noi-luc-tap-hop-tri-tue-dong-gop-cho-phat-trien-83978.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.