Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đánh giá về những thành tựu nổi bật năm 2018 của ngành này cũng đưa ra nhiều con số rất đáng chú ý. Theo đó, GDP nông lâm thủy sản năm 2018 tăng 3,76%.
![]() |
“Kết quả tăng trưởng trên thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong điều hành và bứt phá trong hành động của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm, vượt qua những khó khăn về thời tiết bất thường và thị trường nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản giảm giá”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Năng lực cạnh tranh tốt và thị trường quốc tế thuận lợi cũng đẩy kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 vượt ngưỡng 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kết quả này vượt so với mục tiêu Chính phủ giao là 36 - 37 tỷ USD. Nông sản Việt đã xuất khẩu đến với thị trường trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm qua cũng chứng kiến sự phát triển khá mạnh về doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp với con số thành lập mới đạt 2.200 doanh nghiệp, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số lên 9.235 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.
Trên phạm vi cả nước, hiện đã xây dựng và phát triển mô hình liên kết với 1.096 chuỗi nông sản (tăng 350 mô hình so với năm 2017); có 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát an toàn.
Cả nước có 3.787 xã (42,4%) đạt tiêu chí nông thôn mới, 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012 và gấp 3,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra.
Về phát triển rừng, chúng ta đã chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên; sản lượng gỗ rừng trồng, cây phân tán trong nước đạt sản lượng 27,5 triệu m3 và độ che phủ rừng đạt 41,65%, cao nhất từ sau thống nhất đất nước (1975) đến nay.
Về thú y, Việt Nam lần đầu tiên sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gia súc.
Trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); đàm phán hài hòa quy định để sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU.
Về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, trong năm đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt tỷ lệ 50%); rà soát, chuẩn hóa, công bố danh mục nông sản hàng hóa gắn mã HS từ 7.698 xuống còn 1.768 (cắt giảm trên 77%); xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan; 13 thủ tục hành chính đã kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; 18 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ
Năm 2018, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Như vậy, đến nay đã có 9 luật trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được ban hành, gồm: Luật Trồng trọt (2018), Luật Chăn nuôi (2018); Luật Thủy lợi (2017), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Luật Thú y (2015), Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (2013), Luật Phòng, chống thiên tai (2013), Luật Đê điều (2006). |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/2018-nhung-dau-an-nong-nghiep-nong-thon-83892.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.