Nhưng thay vì bảo vệ thì rất nhiều người đang tìm mọi cách săn, bắt các loài chim trời để thỏa mãn thói tham lam, cái dạ dày của mình, trong khi lại lơ là chuyện bồi đắp văn hóa, tinh thần từ những vẻ đẹp của thiên nhiên.
![]() |
Dùng khò thui lông chim ở chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An |
Bắt chim trời ở cạnh những vườn chim
Bàng hoàng. Lo lắng. Tâm trạng ấy cứ ập òa trong tôi mỗi khi chứng kiến cảnh săn bắt, tận diệt chim trời ở khắp mọi nơi. Nào súng bắn đạn chì, nào lưới giăng, bẫy… bằng nhiều cách, chim trời đang bị tận diệt. Thậm chí bị tận diệt ngay tại nơi bảo vệ chim hoang dã.
Như vừa rồi tại xứ Thanh, một lão nông đã hết lòng bảo vệ đàn cò về sinh sống trong ngôi vườn của ông, nhưng nhiều “cò tặc” đến hoành hành, thậm chí đánh đập ông, buộc ông phải xua đuổi đàn cò đi nơi khác để bảo vệ tính mạng gia đình. Đó là nỗi đau, sự mất mát khi những người bảo vệ chim trời chưa nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Mới đây, tìm đến các Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen huyện Tân Hưng; Khu du lịch làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa của tỉnh Long An; Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)… tôi cũng chứng kiến những nỗi đau ở bên ngoài các vườn chim. Bên trong thì bảo vệ, nhưng bên ngoài là những “tấm lưới nhẫn tâm” bủa vây, sẵn sàng biến các loài chim hoang dã thành… món nhậu.
Tôi đã từng chứng kiến nỗi đớn đau của ông Đặng Đình Quyển - chủ vườn cò Đào Mỹ ở Lạng Giang (Bắc Giang) suốt nhiều năm đứng ra bảo vệ cò vạc như bảo vệ con, nhưng phải tận mắt thấy “thiên la địa võng” của các đối tượng “cò tặc” giăng ra ở các cánh đồng quanh ngôi vườn của mình để bắt cò và vạc.
Tôi cũng từng chứng kiến nỗi tuyệt vọng của “người mẹ cò” Vũ Thị Khiêm, suốt gần 60 năm hiến đất cho cò, bảo vệ và nuôi dưỡng vườn cò Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Hay cũng từng đắm mình trong không gian bình yên, nhân hậu, đối đãi tốt với chim trời của người dân xã Đông Xuyên, Yên Phong (Bắc Ninh) khi họ góp tiền trồng tre nứa làm nhà cho cò ở ngay đầu làng Đông Xuyên…
Xã hội còn nhiều lắm những người được coi là “hiệp sĩ của thiên nhiên”, dám chịu khổ cho chim trời có chỗ trú ngụ, được nhiều người kính nể. Nhưng, dư luận không thể an tâm khi chứng kiến thảm cảnh giết hại động vật hoang dã ở nhiều nơi trên toàn quốc. Hoặc bàng hoàng khi lọt vào “thiên đường ăn nhậu” Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam) mỗi ngày có hàng nghìn chim trời bị giết thịt. Mà những con chim này được bẫy, bắt từ Quảng Nam, Nghệ An… đưa ra. Thậm chí được “tuồn” từ Cam-pu-chia và Tây Nam Bộ về.
Ông Đặng Đình Quyển chia sẻ: “Chúng tôi có tâm huyết. Nhưng sức người có hạn. Nhiều năm qua gia đình tôi đã chịu nghèo khổ, hy sinh để làm vườn, trồng cây cho cò vạc ở. Nhưng nhiều người nhẫn tâm quá. Họ sẵn sàng đánh chúng tôi, bủa vây lưới ở xung quanh vườn để bắt chim làm thịt và đem bán”.
Khi sự nhẫn tâm chưa được dẹp bỏ
Đã một thời gian dài, ở trên vỉa hè phố phường Hà Nội người ta vẫn bắt gặp những người bán chim trời với hàng trăm chú chim bị vặt trụi lông rất tội nghiệp. Ở đó có nhiều loại chim, cò được những gã săn bẫy, rồi lái buôn thu mua về, mang lên phố làm món hàng cho dân nhậu. Chú thì bị cột chặt chân với nhau, chú thì bị “lột” sạch lông, nhìn như chú bé ở truồng, cứ nhảy lích rích trong đau đớn, trong giá lạnh và gió bụi. Một thời gian, dư luận bất bình, việc làm độc ác như thế bị cấm trên phố. Người ta lại chuyển về bán ở những nơi khác, khuất nẻo hơn.
Hiện nay, tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa (Long An), vẫn còn tồn tại một khu chợ nông sản phản cảm. Càng những tháng cuối năm, thịt chim trời càng đắt đỏ, song vẫn hấp dẫn dân nhậu. Tiếng là chợ nông sản nhưng tại đây lại bày bán nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loại chim trời.
Điều đáng nói, nhiều con chim bị vặt lông trong khi còn sống, rồi được các tiểu thương buộc thành chùm, treo lên. Khách đến thì chỉ việc dùng bếp khò được chế biến từ bình ga mini, châm lửa, thiêu xém da. Những con chim quằn quại trong lửa nóng cho đến khi chết hẳn.
Tôi hỏi một người đàn ông khi anh này đang làm thịt chim cho khách: “Sao cứ phải làm như vậy? Không thấy nhẫn tâm sao anh?”. Người đàn ông trả lời: “Cách làm này khiến khách thấy thích thú, là vì nhìn thấy thịt chim tươi sống. Và thui lên khi chim còn đang giẫy giụa sẽ thơm ngon hơn khi nhậu. Chúng tôi thấy tội, nhưng…”.
Người đàn ông bỏ lửng câu nói. Hẳn nhiên, ý anh ta định nói rằng, có thấy tội nghiệp, nhưng vì miếng cơm manh áo, lợi nhuận, nên phải hành hạ chim trời. Dường như, con người ngày càng tàn độc hơn với các loài chim, nhất là chim trời. Chúng bị săn đuổi, tìm giết, bị truy lùng ở khắp mọi nơi, cả ở trong rừng, ở đồng quê, ở phố xá. Loài và số lượng của chúng bị thu hẹp dần, có những loài đã thật sự biến mất khỏi cuộc sống, không còn được tự do bay và hót.
Nhưng loài chim làm sao biết được dã tâm của những người đi săn, chúng vẫn hồn nhiên sống và muốn gần gũi con người, muốn cống hiến đời của chúng cho bao la cánh đồng, cho nền trời thành phố, cho những khu rừng trở nên sinh động. Khi tiến đến gần con người, chúng đã bị săn bắt, bị bủa vây, bị hành hạ và giết thịt.
Có ai nghe tiếng chim trời da diết kêu cứu? Có ai nghe thấy tiếng khóc của các loài chim khi bị mất tự do, phải khản đục giọng mà kêu trong nỗi nhớ bầy, nhớ đồng loại và bầu trời cao rộng?
Con người đang sống và tác động quá mạnh mẽ và thô bạo vào tự nhiên, đang hủy hoại thiên nhiên bằng nhiều cách và làm nguy hại đến chính mình. Con người đang tiếp tục chinh phục các đỉnh cao, tìm kiếm những vùng đất mới, đang mọi cách thoát nghèo, nhiều người cần ăn ngon mặc đẹp. Chúng ta có quyền đó và chẳng hà cớ gì chúng ta lại tước đi quyền bảo vệ chim trời của mình.
Bởi bảo vệ chúng, không chỉ là bảo vệ những ca sĩ của tự nhiên mà bảo vệ cho niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống no đủ của chúng ta được trọn vẹn hơn, tuyệt vời hơn. Có nhà văn đã thốt lên, nhiều người luôn chỉ nghĩ đến chuyện làm no thỏa cái dạ dày, mà không chịu bồi đắp, làm giàu có tinh thần mình bằng văn hóa, và bằng chính sự đồng cảm, gần gũi, cộng sinh với thiên nhiên.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thang-thot-tieng-chim-troi-83596.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.