TP.HCM: Nguy cơ “vỡ trận” xe buýt

Thời gian gần đây, người dân bất ngờ khi nhiều tuyến xe buýt ở TP.HCM không còn. Giải thích vấn đề này, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM cho rằng do số lượng hành khách ngày càng ít, dẫn tới thua lỗ nên các đơn vị chạy xe buýt phải giảm chuyến, bỏ tuyến.
TP.HCM: Nguy cơ “vỡ trận” xe buýt TP.HCM: Sẽ bán vé tự động trên xe buýt trợ giá
TP.HCM: Nguy cơ “vỡ trận” xe buýt Nhiều tuyến xe buýt ngưng hoạt động vì quá lỗ

Một điều nghịch lý là chính những tuyến giảm chuyến, hoặc bị bỏ lại là những tuyến mà UBND TP.HCM có chính sách trợ giá cho các đơn vị. “Tuyến trợ giá nhưng hành khách đi càng đông thì xe buýt càng lỗ. Nguyên nhân là do các đơn vị chức năng không tính đúng, tính đủ tiền trợ giá cho đơn vị vận tải”, ông Nguyễn Văn Lèo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP.HCM chia sẻ.

TP.HCM: Nguy cơ “vỡ trận” xe buýt
Nhiều tuyến xe buýt ngưng hoạt động do thua lỗ

Chính vì vậy, công ty đang xin Sở GTVT TP.HCM cho tuyến xe buýt của mình không phải trợ giá nữa. Sau khi không trợ giá nữa, nếu hoạt động hiệu quả thì để tồn tại, nếu không thì sẽ ngưng, không thể để tình trạng lỗ vốn kéo dài. “Hiện nay, công ty phải lấy hoạt động lữ hành để giảm lỗ ở hoạt động xe buýt chứ nếu chỉ hoạt động xe buýt thì khó sống”, ông Lèo cho biết.

Theo Quyết định 20/2014 của UBND TP.HCM, kinh phí trợ giá xe buýt được tính bằng chi phí chuyến xe trừ đi doanh thu đặt hàng (bán vé). Theo công thức này, nếu lượng hành khách giảm, trợ giá sẽ tăng và ngược lại. Nhiều tuyến trợ giá do lượng hàng khách tăng nên tiền trợ giá giảm. Tuy nhiên điều đáng nói hơn cả là do cách tính chưa đúng, chưa đủ phần trợ giá của công thức này khiến cho nhiều nhà xe lao đao.

Theo các HTX, cách tính này còn khiến cơ quan quản lý tùy tiện ban phát doanh thu bán vé ảo, không sát thực tế. Nếu đồng ý ký hợp đồng, đồng nghĩa với khả năng phải bù lỗ. Vì vậy, đến nay có 9/13 HTX xe buýt chưa đồng ý ký hợp đồng khiến hoạt động xe buýt lâm vào “khủng hoảng”.

Hiện nay, toàn TP.HCM có 145 tuyến xe buýt, trong đó 105 tuyến có trợ giá. Từ năm 2002 đến nay thành phố đã ba lần xây dựng đơn giá chi phí cho hoạt động xe buýt vào các năm 2002, 2009 và 2017 (riêng năm 2017 dự kiến đến… cuối năm 2018 mới xong?). Hầu hết HTX vận tải đều cho rằng, bộ định mức đơn giá ban hành năm 2009 nay đã quá lạc hậu bởi chi phí đầu vào tăng nhiều, từ giá xe, nhiên liệu đến tiền lương.

Một chủ HTX xe buýt còn ví von, tuyến xe buýt chạy từ Chợ Hóc Môn về Bến xe Chợ Lớn, nhưng theo bảng đơn giá hiện hữu thì chỉ đủ chạy đến Bệnh viện Chợ Rẫy (tức hơn 2/3 tuyến đường) là hết… tiền, nên đoạn còn lại HTX phải tự bỏ tiền bù.

Chính vì vậy, HTX nào đã đầu tư mới xe buýt đều bị rơi vào tình cảnh tiền thu không đủ trả lương nhân viên, mua xăng dầu, trả nợ ngân hàng và có nguy cơ bị ngân hàng siết xe. Nhiều chuyên gia tâm huyết phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt nhiều năm qua đã cảnh báo nguy cơ “vỡ trận” đối với loại hình vận chuyển công cộng này.

“Hiện Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM có tới khoảng 30% số tuyến, doanh thu bán vé và tiền trợ giá chỉ đủ trả tiền nhiên liệu, tiền lương cho lái xe, tiếp viên bán vé. Các chi phí khác như lãi và nợ gốc vay ngân hàng để đầu tư phương tiện, chi phí bến bãi, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe, chi phí sửa xe, chi phí lương cho bộ phận điều hành kiểm soát và nhân viên quản lý… không biết trông chờ vào đâu”, ông Phùng Đăng Hải – Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt bày tỏ.

Mặc dù vậy, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM vẫn cho rằng, từ nay đến năm 2020 xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách (hiện nay là 9,6%). Sở GTVT đặt ra nhiệm vụ trước mắt là đổi mới tư duy phục vụ gắn với đổi mới công nghệ; cùng với nguồn tiền trợ giá, hệ thống xe buýt phải tạo nguồn thu trở lại bằng quảng cáo (năm 2017 thu được 53 tỷ đồng từ quảng cáo trên xe buýt), thu từ bến bãi và một số nguồn xã hội hóa...

Theo một số chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm phát triển vận tải hành khách công cộng của nhiều đô thị trên thế giới cho thấy, để xe buýt phát triển, không chỉ cần Nhà nước trợ giá, hỗ trợ lãi vay cho đơn vị vận tải đầu tư phương tiện, quản lý chất lượng phục vụ hành khách, mà còn cần Nhà nước đóng vai trò tạo dựng môi trường phù hợp cho xe công cộng hoạt động.

Phải có đường ưu tiên cho xe buýt để đảm bảo lộ trình phục vụ hành khách công cộng thế nhưng hiện nay TP.HCM đã có tới hơn 50% xe buýt không đảm bảo lộ trình. Chính vì vậy, để phát triển vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt thì các cơ quan chức năng phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo môi trường tốt cho xe buýt hoạt động.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tphcm-nguy-co-vo-tran-xe-buyt-83403.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.