Công nghiệp hỗ trợ phải là nền tảng, giúp chuyển dịch kinh tế
14:35 | 19/12/2018
Điều này đã được Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam, sáng nay, 19/12 do Văn phòng Chính phủ đã tổ chức.
CNHT chưa quan tâm đầu ra thị trường
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và CNHT, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã mang lại kết quả đáng ghi nhận về CNHT Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nhận thức về tầm quan trọng CNHT còn chưa đầy đủ. Cách hiểu đối với ngành CNHT chưa thấu đáo, cần xác định CNHT là ngành công nghiệp nền tảng, thâm dụng công nghệ, sẽ giúp nền kinh tế nước ta chuyển dịch lên mức thang giá trị cao hơn. Thị trường các sản phẩm CNHT ngày càng được mở rộng trong nước và quốc tế, vì vậy chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng định nghĩa của ta hiện nay về CNHT chưa thật sự bao quát mới chỉ là ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng; các chính sách và đầu tư cho CNHT đang mang tính dàn trải, lồng ghép trong nhiều chính sách và chương trình khác nhau.
"Chúng ta đã ban hành nhiều chính sách song hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đi vào cuộc sống; chủ yếu là ưu đãi, hỗ trợ đầu vào như thủ tục hành chính, thuế, hạ tầng, vốn cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT, chưa thực sự quan tâm đến đầu ra, thị trường, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực kỹ thuật-công nghệ của doanh nghiệp…" - Thủ tướng lưu ý.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải nhận thức được ngành CNHT là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Do đó phải phát triển CNHT phù họp với điều kiện, lợi thế so sách của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới; đổi mới cách làm để nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm CNHT Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại trong sản xuất, quản lý, giám sát, bảo đảm về chất lượng, tính cạnh tranh đáp ứng các yêu cầu trong chuỗi giá trị, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
Để phát triển CNHT phải kiên trì
“Thế giới đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ về cách thức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất ra. Không còn tình trạng chỉ một doanh nghiệp sản xuất khép kín ra một sản phẩm, mà một sản phẩm được sản xuất ra do nhiều doanh nghiệp tham gia dựa vào thế mạnh của từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của quốc gia..." - Thủ tướng nêu thực trạng và cho rằng, cần chú trọng phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp dẫn dắt cho các doanh nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các bộ ngành cần rà soát các quy định, các chính sách về CNHT, bảo đảm trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi các quy định bất cập, cản trở sự phát triển CNHT. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước theo các Chương trình, Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và nâng cao năng lực bộ máy phát triển CNHT.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP |
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, để thúc đẩy phát triển CNHT (CNHT), thời gian qua đã có hàng loạt các văn bản liên quan được ban hành. Tuy nhiên, do nhu cầu hỗ trợ rất lớn nhưng nguồn kinh phí để phát triển còn hạn chế nên hiện có 35 hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi trong lĩnh vực CNHT, nhưng các dự án này tập trung phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hạn chế nhất hiện nay của CNHT là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai và môi trường nên chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành CNHT phát triển.
Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp CNHT ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia nhưng hiện vẫn đang khó tìm nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất.
Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cần quá trình kiên trì lâu dài. Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội.
Các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ô tô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. Cùng với đó là nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...
Dương Công Chiến