Cổ phiếu họ dược phẩm tìm kế thoát lầy

2018 là năm không mấy sáng sủa đối với các công ty dược phẩm khi giá nguyên liệu tăng, đầu ra sản phẩm phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh một số DN dẫn đầu.

Đơn cử, Dược Hậu Giang (mã cổ phiếu DHG), doanh thu 9 tháng/2018 chỉ đạt 2.670 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, do chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều tăng mạnh nên lợi nhuận ròng của thương hiệu số 1 ngành dược Việt Nam chỉ đạt 448 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu của Dược Hậu Giang đi xuống liên tục trong hơn một năm qua, từ mức hơn 100.000 đồng/cổ phiếu và giờ chỉ còn xoay quanh 81.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu họ dược phẩm tìm kế thoát lầy

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, lãnh đạo công ty cho biết, DN vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc các chi nhánh, trong khi thị trường bị kìm chế giá, đồng thời chiến lược nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới cũng như mở thêm kênh phân phối chưa thực sự tốt đã khiến cho mảng dược giảm tốc độ tăng trưởng so với mức tăng 10-15% của giai đoạn 2010-2015.

Một mảng kinh doanh khác chứng kiến kết quả chưa tốt là thực phẩm chức năng khi lợi nhuận gộp của mảng này sụt giảm mạnh đến hai con số. Nguyên nhân là do công ty cũng gặp áp lực cạnh tranh lớn trong mảng này từ các đối thủ mới, thị trường quá phân mảnh cộng với việc tái cơ cấu các công ty thành viên đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của mảng.

Trong khi, tình hình của Công ty dược Traphaco còn bi đát hơn khi lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt vỏn vẹn 103 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước (mặc dù doanh thu chỉ giảm nhẹ 3%). So với mục tiêu 300 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm, gần như Traphaco sẽ khó hoàn thành được và tất nhiên, các cổ đông hiện hữu có lý do để giảm bớt lượng cổ phiếu TRA đang nắm giữ.

Theo các đánh giá, ngành dược vẫn là một trong những ngành tiềm năng nhất của Việt Nam nhờ dân số đông và chi tiêu của người dân dành cho thuốc men có chất lượng cao đang tăng nhanh. Tuy nhiên, trong ngắn hạn những “điểm yếu chết người” của các công ty dược Việt Nam đang ngày một hiện diện rõ.

Điểm yếu thứ nhất, phải kể đến việc quá phụ thuộc vào kênh OTC (bán thuốc không có kê đơn của bác sĩ). Dược Hậu Giang có tỷ lệ doanh thu từ kênh OTC lên đến 80-90% trong khi kênh bán hàng kiểu này ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho kênh đấu thầu thuốc đang dần phổ biến hơn. Theo nghiên cứu của IMS Health, kênh OTC của Việt Nam chỉ tăng nhẹ 3,6% trong 5 năm tới và tỷ trọng trong tổng tiêu thụ toàn ngành sẽ chỉ còn 35% vào 2021. Ngược lại, kênh thuốc thông qua đấu thầu tại các cơ sở y tế có thể sẽ tăng tới 10,6% để chiếm tỷ trọng 65% trong cùng khoảng thời gian.

Điểm yếu thứ hai là các công ty trong nước vẫn còn kém cạnh tranh về chất lượng so với các sản phẩm ngoại nhập khẩu. Hạn chế về phương diện marketing, quảng bá sản phẩm cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các sản phẩm thuốc nội địa gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ ngoại vốn đang ngày càng xâm nhập sâu rộng hơn ở Việt Nam trên cả khía cạnh sản xuất và kiểm soát các kênh phân phối.

Hiện Dược Hậu Giang và các công ty trong ngành dược đang tìm nhiều cách để đối phó với các thách thức mới. Công ty Dược Hậu Giang đã quyết định nới room ngoại lên 100% để huy động thêm vốn nhằm đầu tư cho các dây chuyền sản xuất mới, hiện đại hơn để đón đầu sóng đấu thầu thuốc. Công ty cũng giải thể 11 văn phòng đại diện tại các tỉnh chưa hoạt động hiệu quả, cũng như tìm cách hợp tác sâu rộng hơn với chuỗi phân phối hiện đại như Pharno, Pharmacity, Long Châu... để cải thiện doanh số bán hàng trên kênh bán thuốc không có kê đơn của bác sĩ.

Sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư ngoại đến tiềm năng của thị trường dược phẩm được kỳ vọng có thể mang đến động lực tăng trưởng mới. Đơn cử như Tập đoàn dược phẩm Taisho (Nhật) đã liên tục tăng sở hữu tại DHG lên 34,3% và sẵn sàng nâng tiếp tỷ lệ này lên cao hơn nữa nếu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn. Tại Domesco, cổ đông nước ngoài là CFR International Spa đã thâu tóm 51% hay ở Traphaco hãng dược Daewon đã sở hữu được 15%...

Sự có mặt của các tay chơi mới có nhiều tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm sản xuất được kỳ vọng sẽ tái cơ cấu ngành theo hướng hiệu quả hơn. Hiện chi phí dược phẩm của Việt Nam chỉ khoảng 30 USD/người/năm, trong khi Singapore gấp gần 5 lần còn Malaysia gấp 2 lần và một khi các doanh nghiệp điều chỉnh thành công chiến lược phát triển, tin rằng cơ hội để các cổ phiếu ngành dược cất cánh thêm một lần nữa là hoàn toàn khả khi.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-phieu-ho-duoc-pham-tim-ke-thoat-lay-82703.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.