Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cùng lãnh đạo nhiều tổ chức tín dụng đã dự hội nghị. Đặc biệt, hội nghị có dự tham gia của UNESCO và thu hút gần 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Cao Bằng có tiềm năng phát triển nông nghiệp với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng. Diện tích tự nhiên 6724,6 km2 nhưng diện tích sử dụng đất rất thấp, chỉ có 9% là đất nông nghiệp, hơn 90% là đất lâm nghiệp, núi rừng, sông suối…
Dân số Cao Bằng hiện là 52 vạn người, bao gồm 8 dân tộc anh em. Đặc biệt, Cao Bằng có 130 di sản địa chất độc đáo, 214 di tích. Nhiều di tích lịch sử danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Di tích lịch sử Quốc gia Pác Pó, thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao… là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Năm 2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO.
Nằm ở cửa ngõ giao thương hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước ASEAN, Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại và dịch vụ, nhất là phát triển kinh tế biên mậu.
Những năm gần đây, Cao Bằng không ngừng đổi mới và phát triển. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,57%/năm; Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 24,9 triệu đồng/người/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trung bình 8,85%/năm. Cao Bằng đã thu hút được 260 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 40.720 tỷ đồng.
![]() |
Quanh cảnh Hội nghị |
Sự phát triển của Cao Bằng những năm qua không thể không nhắc đến vai trò của ngành Ngân hàng. Tính đến 31/10/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 16.250 tỷ đồng, tăng 3.768 tỷ đồng so với 31/12/2016; Dư nợ tín dụng đạt 10.784 tỷ đồng, tăng 1.851 tỷ đồng so với 31/12/2016, tỷ lệ tăng 20,7%.
Có nhiều tiềm năng, lợi thế song Cao Bằng vẫn là tỉnh miền núi với tỷ lệ hộ nghèo cao. Với mong muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau: phát triển mạnh về du lịch theo hướng bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an ninh lương thực…
Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu.
Cao Bằng khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Cao Bằng mời gọi các nhà đầu tư vào du lịch, kết nối giao thông quốc gia và quốc tế...
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết Chính quyền tỉnh cam kết sẽ duy trì ba ổn định: ổn định chính trị, an ninh; ổn định chính sách thu hút hỗ trợ nhà đầu tư; ổn định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người dân.
![]() |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Bác Hồ đã chọn Cao Bằng là điểm dừng chân đầu tiên sau những năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước. Việc này cho thấy Cao Bằng có vị trí chiến lược, Bác Hồ đã đặt niềm tin chính trị ở nơi này.
Ngày nay, chúng ta phải tìm ra đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế Cao Bằng, khai thác thị trường liền kề rất lớn là tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Từ đây, chúng ta có thể kết nối với cả Trung Quốc, mở rộng sang châu Âu.
“Với lịch sử hào hùng, tôi có niềm tin Cao Bằng sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới. Tôi hoan nghênh các nhà đầu tư vào Cao Bằng. Có câu: Giúp nhau lúc khó mới quý. Sự góp mặt của các nhà đầu tư là niềm động viên rất lớn cho Cao Bằng”, Thủ tướng nói. Với tiềm năng, thế mạnh vốn có, Cao Bằng cần tập trung vào ba vấn đề: du lịch; kinh tế cửa khẩu; và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Du lịch cần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng. Đặc biệt là phát triển du lịch với điểm nhấn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; thác Bản Giốc…
Chính quyền và nhà đầu tư cần tìm cách để di sản này phục vụ cho quốc kế dân sinh, mang lại nhiều việc làm cho người dân. Phát triển du lịch Cao Bằng với mô hình tương tác chiến lược giữa lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên với ẩm thực, đặc sản địa phương. Du lịch Cao Bằng phải trở thành thương hiệu du lịch miền núi Việt Nam.
Đồng thời, tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo mô hình hữu cơ, nông nghiệp sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến; liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Phát triển thương hiệu nông sản để nâng tầm giá trị sản vật địa phương. Phấn đấu thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng để xuất khẩu. Làm sao người dân có thể sống nhờ rừng và bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu chính ngạch, chú trọng đầu tư logistics, nâng cao chất lượng, thương hiệu hàng hóa. Muốn giải quyết các vấn đề trên, Cao Bằng cần tập trung hoàn thiện cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Thủ tướng nói, Cao Bằng cần đưa thông điệp đến các nhà đầu tư: điều kiện khó gấp đôi Cao Bằng sẽ cố gắng gấp ba. Tỉnh sẽ cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận cùng các nhà đầu tư vào Cao Bằng. Giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Cao Bằng là cái nôi cách mạng Việt Nam nhưng còn rất nhiều khó khăn. Việc thu hút đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi chủ trương xóa đói giảm nghèo, phát triển vùng khó khăn là định hướng của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để Cao Bằng không cao hơn cũng bằng các địa phương khác...
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này, Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn 3581 tỷ đồng; trao 16 biên bản ghi nhớ hợp tđầu tư trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới với trên 28.500 tỷ đồng vốn đầu tư.
![]() |
Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư, bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị |
BIDV, VietinBank, Agribank, LienVietPostBank cam kết tài trợ vốn tín dụng cho một số dự án đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch... với số tiền gần 2.000 tỷ đồng.
Hưởng ứng kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước trong công tác an sinh xã hội, nhân dịp này các ngân hàng thương mại hỗ trợ 15 tỷ đồng (Agribank, BIDV, VietinBank mỗi mỗi ngân hàng 5 tỷ đồng) để xây dựng các công trình giáo dục, y tế trên địa bản tỉnh Cao Bằng.
![]() |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cao-bang-diem-den-moi-hap-dan-nha-dau-tu-82428.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.