Phát huy giá trị di sản ca trù Thủ đô

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với chiều dài lịch sử cả nghìn năm, trong đó có môn nghệ thuật hát xướng ca trù. 

Sau khi được UNESCO vinh danh năm 2009, đến nay đã ngót 10 năm, ca trù đã có bước phát triển đáng kể, nhưng loại hình âm nhạc diễn xướng này vẫn chưa thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Các cơ quan chức năng Thủ đô vẫn tích cực, nỗ lực để ca trù ăn sâu vào tâm thức người dân và du khách.

Phát huy giá trị di sản ca trù Thủ đô
Hà Nội cần đầu tư cho di sản ca trù

Nhiều phong cách

Phải khẳng định, ca trù Hà Nội có một bề dày rất lớn và đến nay có 3 phong cách chính gồm: phong cách Kim Đức, phong cách Nguyễn Thị Chúc, và phong cách Thái Hà. Họ là những nghệ nhân đầy tâm huyết, tài năng, đã tích cực trao truyền cho các thế hệ sau những tinh túy của ca trù, từ tiếng hát, đàn và phách.

Theo nghệ nhân Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm giáo phường ca trù Thăng Long, Hà Nội hiện có 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù đang hoạt động, với hơn 50 người có khả năng truyền dạy, hơn 200 người thực hành. Hiện cũng có hàng trăm người theo học và còn giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định: “Chúng ta có thể học hỏi từ trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của Thăng Long - Hà Nội; những truyền thống tốt đẹp, tri thức sâu sắc, những tập tục, sự phong phú về đời sống đậm tính nhân văn và bản sắc… Trong khi di sản văn hóa không thể tái tạo nên chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội mà tiền nhân để lại, tạo nguồn lực cho phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội và trao truyền tài sản đó cho các thế hệ sau”.

Đúng như lời các chuyên gia, Hà Nội là điểm sáng về bảo tồn ca trù. Ca trù Hà Nội vẫn dẫn đầu về mặt tổ chức, nghiên cứu và số nghệ nhân tài năng. Số câu lạc bộ cũng tăng theo thời gian, cùng với đó là đội ngũ được trẻ hóa nhanh. Có được điều đó là nhờ nhân dân yêu mến, nhiều người thích ca trù thực sự. Đầu tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, đã diễn ra Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018.

Tham dự liên hoan có 13 đoàn nghệ thuật và ba câu lạc bộ đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đông nhất và chất lượng nhất và có tổ chức tốt nhất, đoàn Ca trù Hà Nội thực sự khẳng định vị thế số 1 tại Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2018. Có được vị thế ấy, ngoài nỗ lực của các nghệ nhân còn có sự vào cuộc sốt sắng của các cơ quan chức năng. Song để di sản ca trù thủ đô được phát huy nhiều hơn, còn rất nhiều việc phải bàn.

Những trăn trở

Nhiều năm qua, công chúng chứng kiến những nỗ lực của các nghệ nhân, những người gìn giữ nghệ thuật ca trù, trao truyền cho thế hệ trẻ. Một trong những mốc quan trọng là năm 1976, giáo sư Trần Văn Khê từ Pháp trở về Hà Nội, tìm gặp các nghệ nhân ca trù, trong đó có nghệ nhân Quách Thị Hồ. Ông đã ghi tâm tiếng đàn, tiếng hát của nghệ nhân Quách Thị Hồ, mang đi giới thiệu với cộng đồng quốc tế, và từ đó tiếng hát đặc biệt của lão nghệ nhân cùng với sự độc đáo của ca trù đã được tặng thưởng, được biết đến nhiều hơn.

Năm 1990, ca trù bước vào giai đoạn phục hồi. Nhiều nghệ nhân được mời lên sân khấu, nhiều giáo phường đã trở lại. Nhiều năm qua, đình Kim Ngân ở 42 Hàng Bạc là địa điểm thường xuyên diễn ra các canh hát do Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội tổ chức. Nơi đây cũng là không gian tín ngưỡng linh thiêng của người Hà Nội và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội.

Song dù đã đạt được nhiều thành tựu, với biết bao nỗ lực trao truyền, để ca trù Hà Nội được phát huy hơn nữa vẫn còn nhiều trăn trở. Nhiều câu lạc bộ khó khăn trong hoạt động do thiếu kinh phí, khó tìm người trẻ để truyền dạy và khó truyền dạy liên tục.

Để di sản ca trù ở Hà Nội hồi sinh đúng hướng, phát triển bền vững, bà Lê Thị Minh Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa) cho rằng, trên cơ sở kiểm kê, đánh giá toàn diện, tổng thể về ca trù, Hà Nội nên xây dựng đề án bảo tồn cụ thể, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cho hay: Hà Nội phải vừa gìn giữ, vừa phát triển ca trù. Tức là phải đi bằng hai chân. Chúng tôi cũng đã chủ động trong sáng tạo, đưa âm nhạc đương đại vào ca trù. Bởi di sản luôn vận động theo đời sống chứ không đứng im. Quan điểm của các nhà quản lý cũng rất mới mẻ. Và, thực tế đòi hỏi chúng ta nhiều cố gắng, với tư duy mở chứ không phải là bó hẹp. Làm sao để lôi kéo được du khách thì di sản mới sống được.

Qua ý kiến này, đồng thời tìm hiểu từ các chuyên gia, biết rằng để biến tiềm năng của di sản văn hóa thành nguồn lực cho phát triển bền vững, thành phố Hà Nội có đủ điều kiện. Quan trọng là điều đó có tiếp tục được quan tâm, làm rốt ráo hay không. Nhưng để tạo ra sản phẩm du lịch thường xuyên bằng cách trình diễn một số diễn xướng của lễ hội cần sự tính toán, vào cuộc của các địa phương, cơ quan quản lý.

Là người có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn nghệ thuật ca trù, nghệ nhân Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, cho biết: “Nếu người nghe có nhu cầu thưởng thức, biết nghe hát thì tiền bạc không còn ý nghĩa mà nghệ sĩ phải hát trên tinh thần phục vụ, vì khán giả. Nếu chúng ta có thể tạo điều kiện để du khách được thưởng thức âm nhạc dân tộc trong một không gian truyền thống, để họ nghe, cảm nhận và hình dung ra những nét sinh hoạt văn hóa của người Việt xưa, thì nghệ thuật ca trù sẽ trở thành một điểm đến được nhiều du khách yêu thích”.

Người ta thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Lúc này, với những lợi thế vốn có và bề dày về nghệ thuật ca trù, Hà Nội cần tạo thêm những điểm nhấn về văn hóa, du lịch, để thu hút khách, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-ca-tru-thu-do-82331.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.