Đòi hỏi từ đời sống
Nhu cầu của công chúng đang đòi hỏi rất lớn từ công nghệ làm phim ở Việt Nam, nhưng dường như sự kỳ vọng đó vẫn chưa được làm thỏa mãn. Nhiều nhà làm phim cho biết, chúng ta vẫn thiếu các “tay” biên kịch giỏi. Hàng loạt phim làm lại (remake) từ các phim của nước ngoài, phim “hóa phép” từ kịch đang được nhộn nhịp triển khai và sự sụt giảm 25% doanh thu trên một phim Việt Nam phát hành trong năm 2017 là bằng chứng cho thấy tình trạng thiếu kịch bản hay ngày càng đáng báo động.
![]() |
Vẽ đường cho phim chạy |
Còn Nguyễn Thu Hảo, một người “nghiện” phim ảnh cho rằng, các bạn trẻ như cô đang trông đợi từng ngày những bộ phim có kịch bản và làm tốt như “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”…
Do thiếu kịch bản nội hay nên những năm qua, công chúng Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của phim Hàn Quốc, hành động Mỹ, phim Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản... Hàn Quốc đứng đầu danh sách các nước được nhiều nhà làm phim Việt Nam mua bản quyền Việt hóa. Ngoài Việt hóa, các nhà làm phim còn “hóa phép” các vở diễn nổi tiếng của sân khấu kịch Hồng Vân, Idecaf, Thế giới trẻ thành phim như “Chuyện tình Bangkok”, “Xóm trọ 3D”, “Hợp đồng mãnh thú”, “Ma nữ si tình”…
Nhà làm phim Xuân Dung cho rằng, khâu yếu nhất của phim Việt là kịch bản. Hiện, lực lượng viết kịch bản rất nhiều nhưng thiếu kịch bản hay, thu hút, hấp dẫn khán giả. Ngoài một vài nhà biên kịch nổi tiếng, được người trong giới đánh giá cao như Nguyễn Thị Thu Huệ, Trịnh Thanh Nhã, Châu Thổ, Nguyễn Nhật Tuấn, thì hầu hết biên kịch chưa tạo được dấu ấn trong nghề.
Sự lép vế ấy, khiến cho việc quảng bá nền phim ảnh nước nhà, văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng vì thế mà hạn chế. Chúng ta từng chứng kiến những quốc gia có nền phim ảnh phát triển, đã quảng bá hình ảnh của đất nước họ cực tốt. Phim ảnh kích thích thêm sự sáng tạo, mà sự sáng tạo ấy vừa sinh ra lợi nhuận, vừa thu hút du lịch.
Giám đốc sản xuất của Hãng M.T.Pictures, bà Nguyễn Thị Trúc Mai từng than thở về tình trạng thiếu kịch bản hay: Hàng chục kịch bản gửi về chúng tôi chỉ chọn được hai kịch bản để làm vì chất lượng kém. Tôi từng nói thẳng với các biên kịch là hãy nghỉ ngơi và đi chơi, tìm kiếm đề tài chứ đừng ngồi một chỗ viết lại những cái cũ!.
Cần sự dấn thân
Những năm qua, công tác đào tạo biên kịch cũng được chú ý. Đặc biệt Cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2017 do CJ CGV Việt Nam tổ chức nhằm tìm kiếm và phát triển các tài năng biên kịch trẻ đã diễn ra, thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia. Nhưng cũng không phát hiện được nhiều gương mặt ấn tượng.
Tại lễ trao giải cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2018 (lần thứ 2), nhiều gương mặt trẻ được phát hiện đã nổi trội hơn. Những cái tên được vinh danh ở các giải thưởng cao nhất đều là những gương mặt rất trẻ: Phạm Duy Thuận (nghệ danh Jun Phạm), Vũ Nguyễn Nam Khuê, Dương Quỳnh Anh và nhiều cái tên trong tốp 10. Các tác giả còn trẻ đều được đánh giá là có lợi thế về ý tưởng và nhiệt huyết. Tuy nhiên để đi xa được hay không đòi hỏi sự rèn giũa, dấn thân và nổi bật lên bằng những sáng tạo mới.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận khách quan, trong bức tranh chung của điện ảnh Việt hiện nay, đã có những nhà biên kịch trẻ thành công cả về chất lượng tác phẩm lẫn doanh thu phòng vé, được công chúng đánh giá cao. Như Hoàng Anh đồng biên kịch “Tấm Cám- Chuyện chưa kể”; Trần Khánh Hoàng với “Em chưa 18”, Huỳnh Châu Ngọc đồng biên kịch “Siêu sao siêu ngố” là những điển hình tác phẩm thành công về doanh thu, góp phần tạo nên diện mạo, sự tươi mới cho điện ảnh Việt và ngày càng khẳng định thương hiệu cá nhân.
Trong xu thế phát triển chung, để có bộ phim hay thì kịch bản phải hay. Muốn có kịch bản hay phải có biên kịch giỏi mà đội ngũ biên kịch hiện nay đa số xuất thân là nhà văn hoặc tay ngang, chứ ít người được đào tạo bài bản. Từ trước đến nay, ở Việt Nam cũng đào tạo biên kịch tại Khoa Biên kịch - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhưng ở các trường lại thường không sinh ra những nhà biên kịch xuất sắc (ít nhất là trong vòng chục năm trở lại đây). Các hãng phim cũng có đội ngũ biên kịch riêng. Hội Điện ảnh Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đều có những trại sáng tác hoặc mở lớp nghiệp vụ biên kịch ngắn hạn. Song, kịch bản đến từ những nguồn này vẫn khó đáp ứng nhu cầu sản xuất phim ngày càng cao, hiện đại như bây giờ.
Nhà sản xuất đồng thời cũng là đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Một kịch bản để đi vào sản xuất phải đáp ứng nhiều yếu tố chứ không phải chỉ hay là đủ. Ở Hollywood, muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp, mỗi tác giả cần phải có 5-6 kịch bản đã được dựng thành phim. Điều đó đồng nghĩa, các bạn phải có nhiều năm rèn giũa với nghề”.
Còn nhà sản xuất Thanh Thúy tâm sự: Để có kịch bản làm phim, chị đã chủ động đi tìm các bạn trẻ có đam mê biên kịch và hướng dẫn hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, qua 2 khóa đào tạo, mỗi khóa không dưới 10 người, kết quả chị chưa tìm được một kịch bản nào để sản xuất.
Thực tế, như Thanh Thúy nói, để một người trụ lại với nghề rất khó, vì từ ý tưởng, ra đề cương một trang giấy A4 là cả quá trình dài, thường phải sửa đi sửa lại đến 10 lần. Rất nhiều bạn trẻ không chịu nổi áp lực, nản chí và đành bỏ cuộc.
Từ văn chương, diễn viên, đạo diễn tới cả những người làm trong nghề biên kịch đều cần sự học hỏi, kiến thức rộng, cái gì cũng cần phải biết và đặc biệt, phải đọc sách nhiều, dám dấn thân cho nghề. Khi có sự dấn thân, người ta sẽ tìm mọi cách để có kiến thức. Bởi kiến thức là nền tảng cho sự sáng tạo.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khac-nghiet-nghe-bien-kich-81829.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.