![]() | Iran không lo ngại các lệnh cấm vận của Mỹ |
![]() | Liệu kinh tế của Iran có đến vực thẳm? |
Nhiều cường quốc và đồng minh “quay lưng”
Sau khi các bên ký kết “Kế hoạch Hành động Toàn diện chung” (JCPOA) vào năm 2015, hay còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran, các đòn cấm vận Iran đã được nới lỏng. Tuy nhiên, cùng với quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Tổng thống Mỹ Donald Trump cách đây 6 tháng, một loạt các đòn trừng phạt của Mỹ lại chuẩn bị được tái thực thi. Mỹ có rất nhiều mục tiêu đằng sau việc tái lập các biện pháp trừng phạt này, từ việc muốn “giết chết” thỏa thuận hạt nhân 2015, đưa nền kinh tế của Iran đến mức sụp đổ hoàn toàn, đến ngăn chặn sự tham gia của Iran ở Syria, Iraq và Yemen…
![]() |
Người dân Iran phản đối sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA |
Có lẽ một trong những mục tiêu lớn nhất của Nhà Trắng là thông qua gia tăng các áp lực về kinh tế và chính trị để buộc Iran phải trở lại bàn đàm phán để thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới mang “thương hiệu” Donald Trump.
Tuy nhiên theo Seyed Hossein Mousavian - chuyên gia về chính sách an ninh và hạt nhân Trung Đông tại Đại học Princeton, người từng là phát ngôn viên của các bên đàm phán hạt nhân Iran - có ít nhất 5 lý do tại sao chiến lược của ông Trump sẽ thất bại.
Thứ nhất, Hoa Kỳ tìm cách cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran về bằng 0, nhưng điều này là không thực tế bởi không có nguồn cung khả thi để thay thế cho 2,5 triệu thùng dầu xuất khẩu mỗi ngày của Iran (mức mà Iran đạt được trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5 vừa qua). Trong khi Ảrập Xêút từng tuyên bố họ có thể bù cho bất kỳ sự thiếu hụt dầu mỏ nào, các chuyên gia tin rằng Riyadh và các đồng minh không có khả năng bù đắp hoàn toàn nếu con số xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu/ngày của Iran bị đưa về bằng 0.
Thời điểm hiện tại, xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng giá của giỏ tham chiếu dầu mỏ OPEC đã tăng lên khoảng 76 USD/thùng. Nếu các dự báo gần đây về việc giá dầu thô có thể bật lên tới mức 100 USD/thùng là chính xác thì việc giá dầu tăng sẽ giúp Iran vẫn bù đắp được cho những thiệt hại khi doanh số xuất khẩu dầu bị giảm xuống, thậm chí ngay cả khi xuất khẩu của Tehran bị cắt giảm thêm và chỉ còn mức 1 triệu thùng/ngày.
Thứ hai, cuộc chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc, cùng với đó là việc Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga khiến Bắc Kinh và Moscow ít có khả năng sẽ hợp tác với Washington trong vấn đề Iran. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng không thể dựa vào sự hợp tác của EU - đối tác đã đưa ra sáng kiến đàm phán hạt nhân với Iran vào năm 2003 và coi JCPOA là một trong những thành tựu lớn trong chính sách đối ngoại của họ.
Hơn nữa, EU càng ngày càng xem các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ như một mối đe dọa đối với bản sắc và sự độc lập riêng của mình. Như Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire gần đây cho biết: “Những hệ quả của cuộc khủng hoảng với Iran sẽ là cơ hội để châu Âu có các tổ chức tài chính độc lập, nhờ đó chúng tôi có thể giao dịch với bất cứ ai chúng tôi muốn”. Và cần nhớ trong quá khứ, việc hợp tác được với tất cả các cường quốc là rất quan trọng để có thể tạo ra một chính sách hiệu quả đối với Iran.
Thiếu hợp tác và nhất quán, Trung Đông sẽ thêm căng thẳng
Thứ ba, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đã đặt nền móng cho một thay đổi lịch sử trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, đồng đôla Mỹ đã thống trị thị trường tài chính quốc tế. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi JCPOA đã khuyến khích các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng các đồng nội tệ của họ để giao dịch với Iran. Nếu châu Âu thành công trong việc tạo ra một hệ thống tài chính tách biệt với đồng USD, các quốc gia khác có thể sử dụng đồng Euro trong thương mại với Iran, qua đó càng làm giảm sự thống trị của Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Thứ tư, những cường quốc (trừ Mỹ) đã ký JCPOA xem thỏa thuận này như một phương tiện để chống lại chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Điều này xuất phát từ thực tế JCPOA là một thỏa thuận đa phương và đã được Hội đồng Bảo an LHQ xác nhận thông qua Nghị quyết 2231 (2015). Nay chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận và hiện đang cố gắng trừng phạt các quốc gia khác nếu họ không hành động theo. Nhưng bất kỳ sự “đầu hàng” nào đối với Washington trong vấn đề này sẽ “tiếp sức” cho cách tiếp cận hiện tại của Mỹ. Và để tránh điều này, cả Iran và cộng đồng quốc tế sẽ thấy việc bảo vệ JCPOA như là một sự cần thiết mang tính chiến lược.
Cuối cùng, các đồng minh lớn của Mỹ như EU và Nhật Bản tiếp tục ủng hộ JCPOA. Các đồng minh lớn khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và Iraq cũng tiếp tục ủng hộ duy trì thỏa thuận này. Chỉ có một số ít các đồng minh trong khu vực - cụ thể là Ảrập Xêút, Tiểu vương quốc Ảrập và Israel - ủng hộ quyết định của ông Trump trong việc rút khỏi thỏa thuận.
Trong khi đó, những diễn tiến gần đây của các cuộc khủng hoảng khác tại khu vực dường như cũng không ủng hộ Hoa Kỳ và các đồng minh của họ: Tổng thống Bashar al-Assad, được ủng hộ bởi Nga và Iran, đang dành chiến thắng cuộc nội chiến ở Syria; chiến dịch của Hoa Kỳ tại Afghanistan đã thất bại; Ảrập Xêút đã không thể đánh bại Houthis do Tehran hậu thuẫn ở Yemen… Những diễn biến như vậy dường như sẽ giúp Tehran dễ dàng tìm cách đối phó với các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt.
Trong 6 thập kỷ qua, Hoa Kỳ luôn có sức mạnh bá chủ tại khu vực này. Tuy nhiên, cách tiếp cận đơn phương của ông Trump và tương lai của JCPOA có thể làm thay đổi cán cân quyền lực, tạo ra một sự rạn nứt giữa các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, đồng thời tạo cơ hội cho các cường quốc khác gần nhau hơn. Hơn nữa, JCPOA cũng mở đường cho các cường quốc khác trên thế giới - đặc biệt là châu Âu, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ trong bảo vệ các thỏa thuận quốc tế mà ở đó không có Hoa Kỳ.
Những biến chuyển như vậy có tiềm năng làm thay đổi cán cân chính trị quyền lực quốc tế, theo hướng chuyển từ một hệ thống do Mỹ dẫn đầu sang một thế giới đa cực, với các “diễn viên” khu vực sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn. Trong bối cảnh đó, vòng trừng phạt tiếp theo của Hoa Kỳ đối với Iran dự báo có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông và không giúp đưa Washington tiến gần hơn đến mục tiêu muốn đạt được với Iran.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/cam-van-iran-kho-thanh-cong-nhu-ky-vong-cua-my-81652.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.