TP.HCM kiến nghị cấm khai thác nước ngầm

Tại các khu vực gần biển, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây nên xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước, tác động tiêu cực đến cây trồng và không thể cải tạo đất hiệu quả để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững...
Thị trường BĐS TP. HCM: Sụt giảm nhưng không quá quan ngại
TP.HCM: Loay hoay xử lý rác

“Dự báo khoảng 50 năm nữa, một phần lớn TP. HCM sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy", Bí thư Thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan Laurent Umans khuyến cáo.

TP.HCM kiến nghị cấm khai thác nước ngầm
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã kiến nghị sớm hạn chế khai thác nước ngầm

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng lún mặt đất, trong đó nhiều khu vực lún nặng hơn trước đây và đang lan rộng ra ngoại thành. Kết quả quan trắc năm 2017 cho thấy nhiều khu vực bị lún với tốc độ 15mm/năm với diện tích gần 1.940ha; các khu vực bị lún từ 10-15mm/năm chiếm hơn 7.930ha. So với kết quả ghi nhận tình trạng lún giai đoạn năm 2011-2012, mức độ lún 10-15mm/năm ở năm 2017 tăng lên hơn 6.500ha, tập trung ở các quận 9, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nếu so sánh với giai đoạn từ năm 1996 - 2016 thì hiện nay khu vực trung tâm thành phố đã tương đối ổn định. Khu vực các quận 5, 10, 11, Tân Bình không còn xuất hiện thêm các vùng lún. Cùng với đó, trong khi các khu vực quận 8, 12, huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục bị lún thì nhiều vùng lún mới xuất hiện ở khu vực huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.

Nguyên nhân gây lún được nhận định có liên quan đến việc khai thác nước ngầm với lưu lượng lớn, do đặc điểm địa chất (nền đất yếu – PV), gia tăng các công trình xây dựng… Các chuyên gia địa chất cũng đã nêu một số nguyên nhân ban đầu gây ra tình trạng sút nền đất.

Cụ thể, bên cạnh tác động của tự nhiên (như do dịch chuyển của mảng kiến tạo, quá trình nền đất cố kết tự mất nước và co ngót tự nhiên của lớp trầm tích honocen trẻ), còn có tác động từ con người như khai thác nước ngầm, quá trình đô thị hóa làm tăng tải trọng trên nền đất yếu, rung động do các hoạt động giao thông…

Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào công bố về các tác động do khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như ban ngành liên quan đã xác định một số trường hợp lún mặt đất mang tính cục bộ với diện tích ảnh hưởng nhỏ ở xung quanh các công trình khai thác nước dưới đất, những khu san lấp để xây dựng các khu công nghiệp, công trình giao thông, khu dân cư tập trung trên các vùng phân bố đất bùn, yếu và vùng trũng thấp…

PGS-TS. Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, hiện tượng sụt lún mặt đường đã góp phần gia tăng tình trạng ngập lụt đô thị, một số tuyến đường được xây dựng cao hơn mực nước triều nhưng vẫn cứ ngập vì bị lún đất. Hệ thống thoát nước được thiết kế đổ từ nơi cao xuống nơi thấp, hiện tượng sụt lún mặt đất có thể làm thay đổi cao độ thoát nước, dẫn đến tình trạng đầu cấp có thể thấp hơn đầu thoát ở các tuyến cống có độ dốc nhỏ, khiến cho nước không thoát được. Nguy cơ càng gia tăng do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng thì đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng thêm từ 70cm - 100cm, gần 18% diện tích TP. HCM sẽ bị ngập. Thế nhưng, với hiện tượng lún nền đất, diện tích ngập có thể tăng cao hơn con số này. Đồng thời, tại các khu vực gần biển, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây nên xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước, tác động tiêu cực đến cây trồng và không thể cải tạo đất hiệu quả để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Đánh giá lượng nước ngầm đang khai thác, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết hiện nay, tổng lượng nước ngầm trên địa bàn khai thác trung bình là 716.581m³/ngày. Theo đó, hộ dân khai thác 355.859m³/ngày, DN khai thác 360.722m³/ngày.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho 15 công trình, khai thác khoảng 42.940m³/ngày. Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép 451 công trình với tổng lượng nước khai thác khoảng 158.248m³/ngày. Khối lượng nước còn lại khoảng 59.534m³/ngày khai thác không phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, Sở đã kiến nghị về việc sớm hạn chế khai thác nước ngầm. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành liên quan cần ban hành quy định hướng dẫn về tái sử dụng nước thải; quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; xem xét giảm lưu lượng khai thác đối với các công trình cho phù hợp; hạn chế cấp phép các công trình mới làm gia tăng lưu lượng khai thác nước ngầm.

Quy hoạch cấp nước và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM, đến năm 2020 lượng khai thác nước dưới đất còn 200.000m³/ngày, đến năm 2025 còn 100.000m³/ngày. Căn cứ theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định 1242/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dânTP.HCM về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tphcm-kien-nghi-cam-khai-thac-nuoc-ngam-81411.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.