![]() | Trăn trở thương hiệu làng nghề |
![]() | Làng nghề hướng tới phục vụ du lịch |
Thay đổi toàn diện và sâu sắc
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận, thu hút 11 triệu lao động và mang lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD/năm.
![]() |
Định vị lại làng nghề Việt để bắt kịp công nghệ |
Hà Nội tự hào là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động… Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm.
Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, cuộc CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc tư duy và hình thức hoạt động của mọi lĩnh vực. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức đó.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc - Giảng viên cao cấp (trường Đại học Kinh tế Quốc dân), thách thức lớn nhất của cuộc CMCN 4.0 là làm trầm trọng hơn những bức xúc vốn có như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng còn thấp.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Vi Khải – Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhấn mạnh, CMCN 4.0 đang thực sự làm thay đổi chính chúng ta. Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: năng lực tài chính, quy mô nhỏ lẻ, trình độ công nghệ, hạn chế trong tiếp cận thông tin và thị trường, doanh nghiệp chưa thể tham gia chuỗi toàn cầu, sự liên kết giữa doanh nghiệp với làng nghề còn lỏng lẻo…
Hướng tới mục tiêu trong dài hạn
Thách thức nhiều nhưng cơ hội cũng không phải là nhỏ đối với các làng nghề khi tận dụng được sự bùng nổ của thương mại điện tử. Đây là yếu tố thuận lợi giúp các làng nghề không chỉ bán hàng tại các cửa hàng mà còn có thể bán online, mở ra cơ hội cho các địa phương, giúp cho chủ thể làng nghề có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng và có điều kiện phát triển.
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho hay, sự phát triển của thế giới mạng và các thiết bị hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính sẽ khiến cho thị trường của các sản phẩm làng nghề mở rộng hơn rất nhiều. Bây giờ, người tiêu dùng có thể tìm kiếm sản phẩm của các làng nghề qua internet. Cạnh đó, các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số…
Để tận dụng được các cơ hội này, theo ông Fumio Kato – Giám đốc dự án “Phát triển kênh bán hàng thông qua liên kết giữa địa phương với sản phẩm và du lịch” trong khuôn khổ Chương trình Đối tác phát triển của JICA, các làng nghề cần phải tháo gỡ những tồn tại cố hữu như việc không có thói quen ghi chép số liệu về các hoạt động kinh doanh của mình. Đáng chú ý, nhược điểm lớn của các làng nghề là thường giao hàng sai hẹn, không đảm bảo về chất lượng sản phẩm.
Ông Đàm Tiến Thắng thừa nhận, việc làm thương hiệu của các cơ sở sản xuất làng nghề và các nghệ nhân Việt Nam còn yếu. Nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất làng nghề của Việt Nam đi ra thị trường quốc tế nhưng lại mang thương hiệu của các nhà buôn nước ngoài với giá trị tăng gấp nhiều lần. “Tôi đã từng biết một sản phẩm gỗ sơn của làng nghề Việt, khi bán tại Việt Nam chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng (1-1,5 USD), nhưng khi sang đến Hoa Kỳ nó được bán với giá 100 USD”, ông Thắng cho hay.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của các làng nghề trong bối cảnh mới, các cơ quan quản lý Nhà nước và các làng nghề phải có trách nhiệm và hành động để tận dụng triệt để những cơ hội mà tương lai mang lại. GS-TS. Hoàng Đức Thân – Giảng viên cao cấp (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh, các làng nghề cần xuất phát từ điều kiện thực tế của mình để triển khai áp dụng các giai đoạn của thương mại điện tử như hiện diện qua Website; thiết kế mạng nội bộ; tự động hoá giao dịch và mạng extranet - thương mại điện tử tích hợp cấp độ cao.
Đồng thời, cần phát triển liên kết trong nội bộ làng nghề với bên ngoài trong phát triển thương mại điện tử; cũng cần tăng cường hỗ trợ cho thương mại điện tử tại các làng nghề; xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đồng bộ. Và vấn đề quan trọng là xây dựng thể chế đồng bộ cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lang-nghe-viet-no-luc-de-thich-ung-81311.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.