Cao su Việt “thấm đòn” thương mại Mỹ - Trung
08:15 | 10/10/2018
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, phục vụ ngành công nghiệp sản xuất lốp xe.
![]() | Chiến tranh thương mại: Cơ hội với cao su Việt và những lưu ý |
![]() | Đầu tư công nghệ nâng cao sức cạnh tranh |
Số liệu thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, liên tiếp trong nhiều tháng nay giá cao su nguyên liệu xuất khẩu có xu hướng sụt giảm.
![]() |
Trước mắt để giảm những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, các DN xuất khẩu cao su nên lựa chọn phương thức giao bán hiệu quả hơn |
Cụ thể, giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8/2018 ước đạt 1.269 đô la/tấn, giảm 5,7% so với tháng 7/2018. Bình quân trong 8 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su đạt 870.000 tấn và 1,2 tỉ đô la, tăng 8,2% về khối lượng nhưng lại giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Bước sang tháng 9/2018, giá cao su xuất khẩu bình quân ước đạt 1.285 USD/tấn, tăng 1,26% so với tháng trước nhưng giảm 19,7% so với mức giá 1.601 USD/tấn của cùng kỳ năm 2017. Chính vì giá xuất khẩu giảm, kéo theo giá mủ cao su trong nước cũng giảm như tháng 9 giá cao su nguyên liệu giảm 500 đồng/kg, từ 12.500 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg.
Trước tình hình tiêu thụ cao su đang trở nên khó khăn, giá trị giảm, hầu hết các DN chế biến cao su không đạt được mục tiêu lợi nhuận, hoặc phải cắt giảm mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong đó phải kể đến CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) đặt ra kế hoạch doanh thu đạt 100 tỷ đồng, nhưng kết quả 2 quý đầu năm ghi nhận mức doanh thu đạt 33,2 tỷ đồng.
Như vậy, sau 6 tháng đầu năm công ty mới hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu. Tương tự, Công ty cao su Phước Hòa (PHR), trong nửa đầu năm nay, sản lượng khai thác giảm 23,4% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành 29% kế hoạch năm, sản lượng thu mua giảm 33,3%, sản lượng tiêu thụ giảm 30% và mới đạt 26,63% kế hoạch năm.
Hay như trường hợp CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) 6 tháng đầu năm 2018 sản lượng chỉ đạt 4,7 ngàn tấn, đạt 28% kế hoạch năm (tương đương 1/4 chỉ tiêu) và chỉ bằng 88% cùng kỳ năm trước. Sản phẩm của DPR được dùng để xuất khẩu là chủ yếu, số còn lại để tiêu dùng nội bộ.
Về giá bán, trước đó DPR đặt mục tiêu bình quân năm 2018 ở mức 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với giá bán bình quân năm trước. Vì vậy, chỉ tiêu doanh thu tiêu thụ của công ty cũng giảm 12,5% so với năm trước về 731,7 tỷ đồng...
Song điều mà các chuyên gia lo ngại không phải là giá giảm mà chính là khối lượng cao su của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nhiều DN ngành này thừa nhận rằng, không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc bởi đây là một trong những thị trường quen thuộc của nhiều DN cao su trong nước.
Diễn tiến mới đây, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp thuế với tổng giá trị 189 tỷ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng đồ gỗ và các bộ phận, săm lốp ô tô. Chính sách thuế này có hiệu lực từ cuối tháng 9/2018, với mức thuế tăng lên 25% và có thể sẽ tiếp tục tăng lên vào thời điểm đầu năm 2019 nếu Trung Quốc và Mỹ không có biện pháp tháo gỡ cuộc chiến thương mại căng thẳng kéo dài suốt thời gian qua.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, chiếm hơn 60% tổng lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Hơn nữa, khoảng 70% cao su thiên nhiên đi vào ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, do đó, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Theo phân tích của Hiệp hội Cao su Việt Nam,từ đầu năm 2018 đến nay, giá cao su trong nước luôn ở mức thấp do nguồn cung trên thế giới tăng cao, trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc kéo dài khiến cho ngành cao su Việt Nam cũng bị tác động, bởi mặt hàng lốp xe ô tô nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế bổ sung của Mỹ.
Dự báo giá cao su trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối bởi diễn biến căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc và tồn kho cao su vẫn ở mức cao. Các DN xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, do nhu cầu thấp từ các nước nhập khẩu cao su chính.
Do đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam đưa ra khuyến cáo, trước mắt để giảm những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra, các DN xuất khẩu cao su nên lựa chọn phương thức giao bán hiệu quả hơn, nghĩa là ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tiến hành thu gom nguyên liệu, sản xuất, giao hàng sau.
Đồng thời, các DN cần chủ động tìm kiếm đối tác mới, cũng như chuyển hướng mở rộng sang những thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu với Trung Quốc. Đây mới là vấn đề mấu chốt giải quyết những khó khăn, bức thiết của ngành cao su hiện nay.
Phương Nam