Kim Thuý và sự khám phá trở lại

“Tôi muốn chia sẻ những điều tôi thấy đẹp hoặc khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Canada. Điều đó có thể khiến văn hóa của cả hai nước trở nên đẹp hơn”.

Giải “Nobel văn chương mới”

Sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố không bình chọn Giải Nobel Văn học năm 2018, do một số thành viên rút lui hồi tháng 4, vì những tai tiếng liên quan đến ban tổ chức, Giải thưởng mới trong văn chương (tổ chức một lần duy nhất thay thế cho Giải Nobel Văn học năm nay) được một nhóm gồm 126 văn nghệ sĩ họp nhau lại cùng tạo dựng hồi tháng 7 vừa qua. Theo đó, Kim Thúy, một nhà văn Canada gốc Việt ở Quebec là một trong 4 người được đề cử giải này.

Kim Thuý và sự khám phá trở lại
Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm Ru

Theo thông tin từ Saigoneer.com, ban tổ chức Hội Văn chương mới (VCM) bao gồm Margaret Atwood từ Canada và J K Rowling đến từ Anh, đã đề cử một danh sách gồm 47 ứng cử viên. Hội sẽ bị giải thể vào cuối năm nay, trước khi giải thay thế Nobel Văn học được trao vào tháng 10 như giải chính thức.

Ngay khi vừa ra mắt, hội đồng VCM cho biết, tiêu chí giải của VCM là tìm kiếm nhà văn kể câu chuyện về “những con người trên khắp thế giới”, khác với giải Nobel là để tôn vinh “những tác phẩm xuất sắc nhất theo định hướng lý tưởng”. Hội VCM được thành lập để đảm bảo một giải văn chương quốc tế sẽ được trao năm 2018, nhưng cũng là để nhắc nhở rằng văn chương nên gắn liền với nền dân chủ, cởi mở, đồng cảm và tôn trọng.

Trong thời điểm giá trị con người đang bị đặt dấu hỏi ngày một nhiều, văn học trở thành kháng lực của bất công và thờ ơ. Giờ đây, quan trọng hơn bao giờ hết, giải thưởng văn học lớn nhất thế giới cần phải được trao”. Dự kiến giải “Nobel văn chương mới” sẽ được công bố tại Thư viện Công cộng Stockholm vào lúc 12h ngày 12/10/2018.

Nhà văn Kim Thúy cho biết, chị hết sức bất ngờ và phấn khích khi hay tin được vào chung khảo. Bởi vì các nhà văn cùng vào chung khảo với chị đều là những biểu tượng văn hóa và cây viết gạo cội của thế giới như: Neil Gaiman đến từ Anh, Maryse Conde đến từ Pháp và Haruki Murakami đến từ Nhật Bản, trong khi chị chỉ mới bước vào nghề văn.

Việt Nam như một sự khám phá

Nhà văn Kim Thúy tên thật Nguyễn An Tịnh, sinh năm 1968 tại Sài Gòn. Năm 1979 khi lên 10, chị cùng gia đình định cư ở Canada. Hành trình của chị cũng là đề tài của cuốn tiểu thuyết “Ru” đầu tay bằng tiếng Pháp, xuất bản năm 2009. lập tức trở thành sách bán chạy ở Pháp. Năm 2010 tác phẩm này thắng giải văn học của Canada. Ấn bản tiếng Anh ra mắt sau đó được đề cử tranh giải Scotiabank Giller Prize 2012.

Ngoài ra, cuốn tiểu thuyết này cũng được dịch ra tiếng Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Ý. Bản quyền sách tới nay đã được bán cho 25 quốc gia, bao gồm Trung Quốc và các nước nói tiếng Ả rập.

“Nếu ai muốn tìm trong Ru một câu chuyện có đủ đầu, đủ đuôi với chi tiết rành mạch hẳn người ấy sẽ thất vọng. Ru không là truyện trong nghĩa cổ điển của nó. Ru chỉ là những thủ thỉ của người bạn ghé nhà chơi với ta trong vài hôm, cứ mỗi sinh hoạt hàng ngày giữa ta và người ấy thì người ấy nhớ một điều gì đấy và sẽ kể cho ta nghe”. (Đọc Ru của Kim Thúy/Đặng Túy).

Cuốn sách thứ hai của Kim Thúy có tên tiếng Pháp “À toi” (Cho bạn), được xuất bản ở Québec, Canada, ra mắt độc giả vào tháng 9/2011, cũng nằm trong danh sách best-seller của Quebec liên tiếp bốn, năm tuần lễ, sau đó đã được mua bản quyền xuất bản tại Pháp, Rumani, Thụy Điển… Kim Thúy viết cuốn sách này cùng với Pascal Janovjak, một nhà văn người Thụy Sĩ mà chị gặp tại Monaco ở giải thưởng Literary Award. Nếu “Ru” nói về việc cố gắng sống sót, thì “À toi” nói về học cách sống.

Cuốn sách thứ ba có tựa “Mãn” thể hiện nét đẹp tuyệt vời, đẫm chất thơ lẫn trầm tư đầy xúc động dưới ngòi bút của nhà văn. Tờ La Presse nêu nhận định: “Với cuốn truyện này, Kim Thúy cho thấy chị không phải là người gây ngạc nhiên chỉ với một cuốn sách mà thôi. Sau thành công lớn của cuốn “Ru”, cuốn sách bắt nguồn từ cuộc đời của chị, đã chứng tỏ nhà văn cũng còn cả khả năng kể những câu chuyện của những thân phận khác. Những cuộc sống lưu đầy, những gia đình, những đam mê, những hy sinh của họ.

Tờ The Huffington Post Quebec viết: Từng câu một, Kim Thúy đã cho chúng ta khám phá ra Việt Nam qua lịch sử, ngôn ngữ, thực phẩm cùng với phong tục… Dẫn chúng ta đến những thân phận vừa bi đát vừa hạnh phúc của những di dân, “Mãn” đã chứng tỏ Kim Thúy là một cây viết cực kỳ lãng mạn.

Thật thú vị, năm 2017 Kim Thúy lại gây tiếng vang với “Le Secret des Vietnamiennes” (Việt Nam huyền bí). Đây không phải là tiểu thuyết mà là sách dạy nấu ăn. Trả lời báo chí lý do tại sao chị quyết định chuyển từ viết tiểu thuyết sang viết sách nấu ăn, Kim Thúy cho biết điều đó là hoàn toàn tự nhiên. Ẩm thực luôn đóng vai trò quan trọng trong các cuốn sách và trong cuộc sống của chị. Mong muốn của chị khi viết sách là giới thiệu các món ăn của Việt Nam tới người Canada.

Chị nói: “Tôi muốn chia sẻ những điều tôi thấy đẹp hoặc khác biệt giữa văn hoá Việt Nam và văn hoá Canada. Điều đó có thể khiến văn hóa của cả hai nước trở nên đẹp hơn”.

Đáng lưu ý, trong những năm 1996-2000, Kim Thúy có cơ hội về Việt Nam và làm việc cho Công ty luật Stikeman. Xa đất nước từ khi còn nhỏ, được về làm việc ở Hà Nội với Kim Thúy giống như đi tới một xứ sở khác.

Nhà văn chia sẻ: Đây là khoảng thời gian chị rất thích vì nó cho chị thêm một cách nhìn mới về nét văn hoá Việt. Thúy có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình, càng kinh ngạc khi thấy tiếng Việt của mình sao mà hay và phong phú đến thế. Rồi Thúy có cơ hội để sống và trải lòng mình…”.

Đây cũng là lý do như chị tâm sự: “Tôi cũng muốn quảng bá với tất cả mọi người vẻ đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Bởi với tôi, Việt Nam giống như một sự khám phá trở lại…”.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kim-thuy-va-su-kham-pha-tro-lai-80666.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.