Có gây mất an toàn nguồn nước?

Nhiều người dân quan ngại, việc quy hoạch đặt nhà máy như vậy có đảm bảo không? Nhà máy có thải nước thải công nghiệp ra sông không? Chính quyền địa phương có biện pháp gì để quản lý chất lượng nguồn nước thải một khi nhà mày đi vào hoạt động…
Xử phạt doanh nghiệp vi phạm môi trường
Trắng tay vì ô nhiễm nguồn nước

Quan ngại mất an toàn nguồn nước

Mới đây, UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam) tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự án nhà máy thép Việt - Pháp đang xây dựng tại cụm công nghiệp thôn Hoa, thuộc thị trấn Thanh Mỹ của huyện Nam Giang. Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc chính quyền tỉnh Quảng Nam có chủ trương quy hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thép ngay đầu nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của vùng hạ du 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng.

Có gây mất an toàn nguồn nước?
Người dân liên tục phản đối việc sản xuất của nhà máy thép Việt – Pháp đặt tại thị xã Điện Bàn

Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, nhà máy thép Việt - Pháp tại cụm công nghiệp thôn Hoa có diện tích khoảng 10 ha, với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy có thể giải quyết từ 200 đến 300 việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, hàng năm chủ đầu tư sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng cho công tác an sinh xã hội.

Chủ trương của tỉnh Quảng Nam là sẽ di dời nhà máy thép Việt – Pháp hiện đang hoạt động tại thị xã Điện Bàn lên huyện Nam Giang. Để thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà máy thép Việt - Pháp phải hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; đồng thời sẽ kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức.

Tuy nhiên, trước chủ trương này, người dân vùng hạ du 2 địa phương Quảng Nam (huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn) và TP. Đà Nẵng rất quan ngại về việc đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Bởi theo quy hoạch, nhà máy thép Việt – Pháp đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, nằm ngay đầu nguồn sông Vu Gia, con sông cung cấp nguồn nước sinh hoạt chính cho người dân các địa phương nói trên.

Nhiều người dân quan ngại, việc quy hoạch đặt nhà máy như vậy có đảm bảo không? Nhà máy có thải nước thải công nghiệp ra sông không? Chính quyền địa phương có biện pháp gì để quản lý chất lượng nguồn nước thải một khi nhà mày đi vào hoạt động…

Đó là sự lo lắng có cơ sở của người dân địa phương. Bởi tiền lệ đã từng xảy ra tại vụ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây thảm họa về môi trường cách đây 3 năm.

Người dân kêu trời

Nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp thuộc Công ty Việt - Pháp được cấp phép 50 năm, công suất 48.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ năm 2012 tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) thời gian qua liên tục bị người dân địa phương phản ánh là gây ô nhiễm môi trường và nhiều lần có những phản ứng.

Mới đây nhất, vào ngày 5 và 6/7/2018, rất đông người dân khối 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn đã chặn xe trên tuyến đường Lạc Long Quân, đoạn dẫn vào nhà máy để bày tỏ thái độ bức xúc. Nhiều người dân cho rằng, DN vẫn đang gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng người dân địa phương phản đối hoạt động sản xuất của nhà máy nói trên kéo dài trong suốt nhiều năm qua. Thực trạng này khiến nhà quản lý tỉnh Quảng Nam “đau đầu” tìm giải pháp xử lý dứt điểm. Chính vì thế, từ năm 2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã 8 lần lấy mẫu các chất thải kiểm tra.

Đồng thời, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cũng thực hiện việc quan trắc. Các kết quả công bố đảm bảo môi trường theo quy định. Thế nhưng, người dân vẫn không đồng tình với sự tồn tại của nhà máy chủ yếu do ô nhiễm tiếng ồn, mùi khói từ nhà máy phát ra.

Một người dân cho hay, nhà máy thép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy nổ, khói đen bốc mùi hôi thối bay ra, khiến môi trường sống ở đây bị ô nhiễm. Người dân còn cho biết, từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau là thời điểm bị ô nhiễm nhất.

Chính vì những điều này, tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá IX, nhiều ý kiến của cử tri huyện Đại Lộc đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu, cân nhắc lại việc cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp mới trên thượng nguồn sông Vu Gia tại huyện Nam Giang.

Tương tự, UBND TP. Đà Nẵng có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho vùng hạ du của TP. Đà Nẵng.

Trước những thông tin đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định. Nếu không sẽ gây ra hậu quả khó lường, trước tiên là mất lòng tin trong nhân dân.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-gay-mat-an-toan-nguon-nuoc-80377.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.