![]() | Phải có kỳ vọng lọt top 500 DN lớn nhất thế giới |
![]() | Ai chịu trách nhiệm khoản lỗ 17.000 tỷ đồng của DNNN? |
![]() | Cổ phần hóa tránh 'dục tốc bất đạt' |
![]() |
Ông Đặng Quyết Tiến |
Theo kế hoạch, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DNNN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/9 tới đây. Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) về một số nội dung sẽ được nêu tại hội nghị.
Nhìn vào các thương vụ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thành công vừa qua, ông đánh giá thế nào về năng lực quản trị của DN sau CPH?
Có thể nói, quản trị DN của các DNNN sau khi CPH cũng là một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư rất quan tâm trong quá trình nghiên cứu để tham gia mua cổ phần của DN (bao gồm: mua cổ phần lần đầu của DN CPH; mua cổ phần khi Nhà nước tiếp tục thoái vốn sau khi CPH). Theo đó, việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến vấn đề này thời gian qua cũng được chú trọng nhằm tạo điều kiện cho các công ty cổ phần (không chỉ công ty cổ phần được hình thành từ CPH DNNN) nâng cao năng lực quản trị DN, tiếp cận với thông lệ quốc tế về quản trị công ty.
Qua tổng kết, đánh giá kết quả tái cơ cấu DNNN thời gian qua (giai đoạn 2011 – 2015 và năm 2016 đến nay) thì các DNNN sau CPH đã hoạt động hiệu quả hơn, các chỉ tiêu kinh doanh chính như: doanh thu, lợi nhuận, nộp NSNN, quy mô vốn chủ sở hữu đều có sự tăng trưởng so với năm trước khi CPH. Điều này cho thấy, thông qua CPH, việc đổi mới mô hình tổ chức quản lý, quản trị DN cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN (hiệu quả quản trị DN cũng được thể hiện ở kết quả kinh doanh của DN). Vấn đề quản trị DN cũng đã được các công ty cổ phần quan tâm, chú trọng hơn và qua đây tôi xin nhấn mạnh thêm: các DN cần xác định đây là một trong những vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công của DN.
Với Luật Đất đai năm 2013 quy định về cho thuê đất nhà nước và các quy định liên quan tới rà soát, sắp xếp đất đai của DN trước CPH liệu có “hóa giải” các lo ngại nhà đầu tư thâu tóm DN để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược cho DN?
Theo quy định hiện nay, các DNNN nói chung và DN thuộc diện CPH đều có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước (theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục sắp xếp, xử lý nhà đất của các DN, trong đó có DN CPH) và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH. Phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất DN CPH đang quản lý, sử dụng phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển DN.
Công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.
Với quy định như trên, mục đích sử dụng đất của các DN CPH đã được rà soát phù hợp với quy định của Luật Đất đai, qua đó ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, nhất là công tác xác định giá trị đất đai của DN CPH.
Được biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các DN trình bày các vướng mắc để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tại hội nghị. Ông có thể cho biết rõ hơn các tập đoàn sẽ báo cáo những gì?
Tính đến ngày 10/9/2018, Cục TCDN đã nhận được 461 kiến nghị của 108 đơn vị, gồm: 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 44 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty, 46 địa phương. Bộ Tài chính đã có công văn gửi các kiến nghị này để các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, trả lời các đơn vị nêu tại hội nghị. Bộ Tài chính kỳ vọng thông qua hội nghị, các vướng mắc của các đơn vị sẽ được giải đáp, từ đó đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, hoàn thành mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.
![]() |
Các DNNN sau CPH đã hoạt động hiệu quả hơn |
Vậy theo ông, Hội nghị Thủ tướng – DNNN lần này sẽ có tác dụng như thế nào đối với việc phát triển khối DNNN, sử dụng hiệu quả nguồn lực mà khối này đang nắm giữ; cũng như tác động thế nào đến khu vực tư nhân?
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một xu thế tất yếu, là đường lối xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và trong những năm gần đây được thể hiện qua hàng loạt chính sách được ban hành: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017…
Thông qua việc triển khai thực hiện các nghị quyết và Chương trình hành động, nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển đã được xây dựng và ban hành với những đổi mới, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, góp phần đưa kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về loại hình sở hữu, loại hình DN, trong đó việc đẩy mạnh CPH DNNN, thoái vốn nhà nước và tạo cơ hội cho tư nhân được bỏ vốn vào các DN sau CPH là những phương thức đã và đang được triển khai áp dụng.
Tính đến cuối năm 2017, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39% - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Thông qua phát triển kinh tế tư nhân, quyền làm chủ của nhân dân, trước hết là quyền làm chủ về kinh tế được phát huy - đó là một trong những cơ sở không thể thiếu để mở rộng quyền làm chủ của nhân dân về chính trị, văn hóa, xã hội.
Quay trở lại với khu vực DNNN, mặc dù chiếm chưa đến 1% tổng số lượng các DN cả nước nhưng là khu vực nắm giữ những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước, là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho NSNN; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của DNNN nhìn chung còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế....
Bởi vậy, tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN do các Lãnh đạo Chính phủ chủ trì sẽ được tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 9/2018, trên cơ sở các báo cáo trong đó có báo cáo “Tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, Hội nghị sẽ trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan và đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-huy-toi-da-hieu-luc-hieu-qua-von-nha-nuoc-80066.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.