Ngày khai giảng và nỗi lo đổi mới giáo dục

5/9, ngày học sinh cả nước náo nức tựu trường. Những hồi trống báo hiệu năm học mới chính thức bắt đầu cùng rạng ngời những gương mặt của học trò, của thầy cô giáo, của phụ huynh. Trước  ánh mắt mỗi học trò, hồn nhiên và rạng rỡ, chúng ta có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp, song cũng phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình.
Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên
Rào cản đầu tư giáo dục: Gỡ như chưa gỡ

Còn những băn khoăn

Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nước nhà được đặt ra từ khá lâu rồi, cho đến ngày 4/11/2013 thì chính thức cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa XI) của Đảng. Từ bấy đến nay, ngành giáo dục cũng như một số bộ, ngành liên quan đều tỏ ra sốt sắng với hàng loạt những đề án cải cách, ý tưởng cải tiến toàn cỡ trăm, nghìn tỷ đồng. Kết quả ra sao, hẳn xã hội đã rõ.

Ngày khai giảng và nỗi lo đổi mới giáo dục
Hãy để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” của các em

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Ngoại ngữ 2020) với tham vọng sẽ tạo nên đột phá, biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai đưa Việt Nam hội nhập thế giới; nhưng mới đây những người có trách nhiệm đã thừa nhận “việc triển khai đề án này chưa được như kỳ vọng”. “Đấy là nói tránh, thực ra thế là thất bại”, một chuyên gia thẳng thắn.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cũng như đề án đổi mới Chương trình Môn học, đổi mới Sách giáo khoa phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần thời điểm ban hành, áp dụng; hay mô hình học tập mới VNEN… cho đến giờ, kết quả vẫn chỉ dừng ở chắt chiu hy vọng.

Chưa hết, một trong những đề án được kỳ vọng là đổi mới thi cử, cứ tháng này qua năm khác, từ mùa thi nọ sang mùa thi kia, mỗi lần mỗi kiểu - để rồi đến giờ lại “mới như cũ”. Bất ngờ hơn, dư luận đang xôn xao với đề án đổi mới thi cử 2018-2020 có dự toán kinh phí lấy từ ngân sách lên đến hơn 750 tỷ đồng. Xã hội phản ứng, nhiều chuyên gia phản đối, thế là, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại phải thu hồi đề án.

Còn nhiều nữa những đề án, dự án, chương trình được gắn hai chữ “đổi mới”, song vẫn cứ thấy mãi dở dang. Thực tế này đã khiến không ít người hoài nghi khả năng thành công của các đề án, cũng như hoài nghi năng lực của những người chịu trách nhiệm xây dựng, triển khai các chương trình này.

Câu hỏi về trách nhiệm

Phân tích về thực trạng đổi mới giáo dục hiện nay, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng, có thể xem đổi mới giáo dục, xây dựng mô hình quản trị trường học mới, thi cử… hiện vẫn loay hoay, biểu hiện là một số chương trình, đề án vừa được phê duyệt đã rút lại hoặc kéo dài thời gian thực hiện.

Rõ ràng, đây là hệ quả của việc thiếu tư duy quy hoạch và điều phối nguồn lực đối với ngành giáo dục. Công tác đánh giá tác động, chạy thử nghiệm các chương trình, quy chế mới hầu như chưa được làm tốt. Kiểu tư duy “giật gấu vá vai” như thế khiến cho công cuộc đổi mới cứ mãi ngổn ngang, chắp vá.

Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường bên ngoài quá nhanh chóng, tâm lý và tư duy nhiệm kỳ cộng với văn hóa lãnh đạo quản lý thiếu sự kế thừa những bài học kinh nghiệm của quá khứ, đã dẫn đến những thiếu sót trong quá trình phát triển chính sách cho đổi mới.

Mọi chính sách đổi mới giáo dục chỉ có thể đơm hoa kết trái sau hàng thập kỷ và còn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội hàng nửa thế kỷ. Điều đó cho thấy người lãnh đạo, quản lý giáo dục phải có một tầm nhìn xa để tham mưu cho Đảng và Chính phủ có chính sách giáo dục đúng đắn và cụ thể hóa bằng các đề án, dự án thiết thực, hiệu quả.

Thế nhưng, nhìn lại cả quá trình, chúng ta thấy, đã có lúc người lãnh đạo tiền nhiệm đặt ra những tiền đề quan trọng cho đổi mới giáo dục; nhưng những người kế nhiệm sau đó lại có "sáng kiến" mới, sự kế thừa vì thế kém hiệu quả. “Chủ nghĩa cá nhân” hay “dấu ấn nhiệm kỳ” dường như lấn lướt mục tiêu tối thượng của đổi mới giáo dục là vì người học và sự cường thịnh, hạnh phúc của quốc gia, dân tộc.

Một nguyên nhân nữa thường thấy ở nước ta là khi làm chính sách giáo dục rất ít khi có được những nghiên cứu độc lập mang tính dự báo, hay những đánh giá tác động của chính sách mới lên xã hội, lên người dạy, người học. Tính tiếp thu trong xây dựng chính sách cũng chưa rõ ràng. Thành ra, khi một chính sách được ban hành thường gặp phản biện trong xã hội, một khi khó lòng giải thích nổi với dư luận thì đành phải rút lui.

Vậy nên, nhiều ý kiến chuyên gia đã đặt vấn đề, tại các phiên họp Chính phủ, hay Quốc hội, cần xem xét truy vấn trách nhiệm người đứng đầu trong vai trò kiến thiết đổi mới giáo dục đã thực hiện được những gì? Bộ máy của ngành giáo dục đã vận hành ra sao trước những yêu cầu đổi mới được đặt ra cấp bách như vậy?

Cần giải pháp cấp bách, bài bản, hiệu quả

Từ đòi hỏi thực tiễn, nhiều đại biểu cũng như các chuyên gia, gợi mở ba vấn đề cần giải quyết tiếp theo để vừa khắc phục tình trạng “cải tiến chắp vá”, vừa mở hướng cho công cuộc đổi mới GD-ĐT thời gian tới, đó là: Đổi mới bài bản hệ thống giáo dục quốc dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên; đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Theo đó, cần xác định trong hệ thống đổi mới, giáo dục đại học (GDĐH) được coi là cấp thượng tầng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai gần. Muốn đổi mới GDĐH, theo PGS-TS. Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định: Nền tảng của quá trình xác định chất lượng GDĐH cần trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên, phải bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn mực của chúng ta. Bước tiếp theo là kiểm định các trường có đạt hay không và bước thứ ba mới là xếp hạng…

Nhằm xốc lại công cuộc cải cách giáo dục, trong các phiên thảo luận về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, đa số ý kiến đề nghị cần xem xét bổ sung các chính sách riêng biệt và phù hợp về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giảng viên, nhằm giữ cho được “nhà giáo giữ vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục” và tôn vinh nghề dạy học. Việc phân tầng, xếp hạng cơ sở GDĐH là cần thiết để tạo nên một hệ thống đa dạng, có chất lượng, có cơ cấu tương thích với cơ cấu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong mọi sự thành công hay thất bại thì yếu tố con người bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng nhất. Ngành giáo dục cũng đã có những quan tâm nhất định đến công tác tạo nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đổi mới ngành sư phạm.

Song, nhiều chuyên gia phân tích, vướng mắc trong cơ chế ở đây là, Bộ GD-ĐT hiện chỉ có vai trò đào tạo, còn việc tuyển dụng, sắp xếp việc làm cho giáo viên lại thuộc về ngành Nội vụ. Câu hỏi đặt ra là, trao cho ngành Nội vụ quyết định số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo có phải là cách thức phù hợp hay cần xem xét lại?

Cuối cùng là phải có phương án để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhất là việc chi ngân sách cho đầu tư giáo dục.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngay-khai-giang-va-noi-lo-doi-moi-giao-duc-79616.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.