Dược phẩm vẫn được giới đầu tư nhòm ngó

Tổng giá trị nhập khẩu dược phẩm Việt Nam năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, theo nhận định của Công ty chứng khoán KIS. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng thuốc trong dân rất lớn, giúp các DN mở rộng kinh doanh.
Thị trường dược phẩm - “mảnh đất trù phú”
Phân phối dược phẩm: Lợi nhuận và rủi ro

Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ của thị trường với hơn 90 triệu dân, lĩnh vực dược luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Đơn cử, năm 2016, Tập đoàn Sanofi (Pháp) đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm). Quan hệ hợp tác chiến lược này bao gồm sản xuất và tiếp thị dược phẩm của Sanofi, cũng như dược phẩm xuất khẩu sang thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hay như năm 2017, Adamed Group - tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai tại Ba Lan đã chi ra 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần của Công ty Dược Đạt Vi Phú (Davipharm).

Dược phẩm vẫn được giới đầu tư nhòm ngó
Tỷ lệ bảo hiểm y tế thấp trong dân luôn là thị trường béo bở cho các công ty dược

Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, nhiều tên tuổi lớn trong nước như Vinamilk, FPT, Digiworld… cũng đã hoặc đang lên kế hoạch đặt chân vào mảnh đất màu mỡ này cho dù lĩnh vực kinh doanh chính của họ là rất khác biệt. Theo đó, hồi cuối năm 2017, FPT Retail đã mua lại nhà thuốc Long Châu để phát triển hệ thống phân phối dược phẩm. Trong khi đối thủ của FPT Retail là Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld) cũng tham gia bằng 2 mũi nhọn thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn. Còn Vinamilk muốn hợp tác với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) để phát triển các loại thực phẩm chức năng nhiều chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị người Việt.

Một chuyên gia thị trường của Công ty chứng khoán Rồng Việt phân tích, các nhà đầu tư rót vốn vào ngành dược là lẽ đương nhiên, bởi ngành dược có tiềm năng kinh doanh thuận lợi hơn nhiều ngành khác. Thống kê cho thấy, chi tiêu y tế thường đến từ bảo hiểm y tế và tự chi trả. Tại Việt Nam bảo hiểm y tế đến nay người dân tham gia không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu dùng thuốc lại rất lớn.

Tổng giá trị nhập khẩu dược phẩm Việt Nam năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, theo nhận định của Công ty chứng khoán KIS. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng thuốc trong dân rất lớn, giúp các DN mở rộng kinh doanh.

Trong khi đó, trên sàn chứng khoán nhiều mã cổ phiếu của DN ngành dược ngày càng tăng thêm giá trị. Sự hấp dẫn của cổ phiếu dược cũng là một trong những điểm thu hút giới đầu tư mua bán kinh doanh cổ phiếu ngành dược trong thời gian qua rất mạnh đồng thời tạo ra các cuộc M&A vào các DN trong nước.

Chẳng hạn, động lực tăng trưởng chính của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang là đẩy mạnh khai thác, tăng công suất 2 nhà máy mới Betalactam 1 tỷ đơn vị/năm và Nonbetalactam 4 tỷ đơn vị/năm. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân của công ty này đặt mục tiêu giai đoạn từ 2017-2020 lần lượt các mức 16% và 11% mỗi năm.

Hoặc với Dược phẩm Imexpharm (IMP) cũng vậy họ lựa chọn phân khúc thuốc chất lượng cao, hướng đến thay thế hàng nhập khẩu. Điểm mạnh nổi bật của DN này so với các công ty dược phẩm niêm yết là công ty sở hữu 3 dây chuyền sản xuất kháng sinh đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là một tiêu chuẩn quan trọng giúp các sản phẩm của IMP trúng thầu thuốc vào nhóm 1 nếu sản phẩm được phép lưu hành tại thị trường các nước tham gia quy định đăng ký thuốc - ICH. Nhóm 2 là những nhóm có giá thầu cao hơn trong khi đó, mức độ cạnh tranh thấp hơn.

Gần đây lại có thông tin Bộ Y tế đang dự thảo quy định theo hướng ưu tiên đối với thuốc sản xuất trên dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP, nếu điều này trở thành hiện thực sẽ là một lợi thế cho những DN có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/duoc-pham-van-duoc-gioi-dau-tu-nhom-ngo-79510.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.