Nhiều hệ lụy từ tour 0 đồng: Đà Nẵng tăng cường giám sát
15:36 | 23/08/2018
Lắp đặt camera trên xe du lịch, góp phần để doanh nghiệp quản lý được khách và cơ quan chức năng sớm phát hiện tình trạng kinh doanh trái phép.
![]() | TP.HCM: Phát triển du lịch chưa xứng tiềm năng |
![]() | BĐS du lịch biển: Cơ hội lớn nhưng thách thức còn nhiều |
Hệ lụy từ tour 0 đồng
Những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến với TP. Đà Nẵng chủ yếu tập trung tại 2 thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh, những yếu tố tích cực, thì việc tăng trưởng khá “nóng” khách du lịch từ những thị trường này cũng đang để lại những hệ lụy cho địa phương. Trong đó, nổi lên là việc kinh doanh du lịch trái phép, khiến thất thu thuế, hướng dẫn viên thất nghiệp...
![]() |
Dự kiến cuối tháng 9/2018, việc lắp đặt camera trên xe du lịch ở Đà Nẵng sẽ hoàn tất |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng tại địa phương, hiện TP. Đà Nẵng có trên 40 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động khai thác thị trường khách Trung Quốc. Với con số trên, tưởng chừng các hướng dẫn viên tiếng Trung tại thành phố này sẽ có nhiều cơ hội để làm ăn.
Song, trên thực tế, nhiều người trong số họ lại đang lâm vào cảnh thất nghiệp. Lý do là các công ty du lịch đến từ Trung Quốc đang lấn át nhiều DN ở địa phương. Những công ty này thường tổ chức tour giá rẻ, tour 0 đồng để phục vụ du khách. Điều đáng nói, không chỉ thao túng thị trường, mà các công ty này còn sử dụng luôn các hướng dẫn viên người Trung Quốc một cách trái phép.
Mặc dù, không am hiểu về lịch sử, danh lam, thắng cảnh ở địa phương... song những hướng dẫn viên “chui” này vẫn thuyết minh cho du khách. Tháng 2/2018, một hướng dẫn viên người Trung Quốc đã có thuyết trình sai lệch nghiêm trọng về lịch sử, văn hoá của Việt Nam khi dẫn khách đến tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, nằm ở ngay trung tâm thành phố.
Điều đáng nói, tiếp tay cho những hành vi sai trái này lại có cả một số hướng dẫn viên người Việt. Theo đó, để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các công ty lữ hành từ nước ngoài vẫn thuê một hướng dẫn viên người Việt ngồi trên xe. Nhưng, thực chất họ chỉ là bình phong, còn mọi việc từ hướng dẫn, thuyết minh đều do hướng dẫn viên người nước ngoài đi theo đoàn.
Tuy nhiên, phần lớn các hướng dẫn viên tiếng Trung vì tự ái nghề nghiệp, tinh thần dân tộc đã không chấp nhận như vậy. Theo ông Chế Viết Đông, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, hiện có khoảng gần 100 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung trên địa bàn thành phố đang thất nghiệp. Trong khi, lượng khách du lịch Trung Quốc đến thành phố tăng vọt qua từng năm.
Bên cạnh đó, mặc dù, lượng khách từ Trung Quốc hay Hàn Quốc sang TP. Đà Nẵng ngày càng đông, song trên thực tế rất khó để xác định mức thu thuế từ các DN đã đúng với doanh thu hay chưa? Những điều này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh du lịch. Theo đại diện một DN lữ hành ở Đà Nẵng, có DN khai thác khách Trung Quốc với lượng khách cao gấp 10-20 lần DN khác, nhưng doanh thu báo cáo của họ chỉ bằng một nửa...
Giám sát bằng “mắt thần”
Với nhiều hệ lụy, từ kinh doanh du lịch trái phép, hướng dẫn viên chui... đã đến lúc ngành du lịch Đà Nẵng cần có sự điều chỉnh mình sau một thời gian phát triển nhanh. Trong đó, tập trung hướng đến những thị trường bền vững và có chất lượng chứ không phụ thuộc vào cách làm du lịch truyền thống, thị trường tour giá rẻ, đông khách... Ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, ngành du lịch thành phố phải hướng đến chất lượng để đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Trên thực tế, để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn, các lực lượng chức năng tại địa phương cũng đã tăng cường rà soát, xử lý các hoạt động kinh doanh du lịch phi pháp. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng đã ban hành 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 197 triệu đồng. Phát hiện 23 người có hoạt động điều hành, hướng dẫn khách du lịch người nước ngoài trái phép...
Nhằm tăng cường ngăn chặn các hoạt động kinh doanh du lịch trái phép, đặc biệt là tình trạng hướng dẫn viên chui, mới đây Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cùng các đơn vị lữ hành tổ chức ký cam kết và triển khai lắp đặt camera cho xe du lịch trên địa bàn.
Được biết, hiện trên toàn thành phố có hơn 2.224 xe ô tô được cấp phù hiệu vận chuyển du lịch. Trong đó, có 567 xe ô tô trên 30 chỗ ngồi. Qua thời gian vận động đến nay đã có 8 đơn vị vận chuyển, lữ hành triển khai lắp đặt camera trên xe ô tô với 27 xe trên 30 chỗ ngồi đã gắn camera. Dự kiến, cuối tháng 9/2018, việc lắp đặt camera trên tất cả các xe du lịch của Đà Nẵng hoàn tất...
Theo nhiều người, việc lắp đặt các camera trên xe du lịch là “một mũi tên trúng 2 đích”, khi nhà xe quản lý được khách và nhà nước có công cụ để quản lý. Đặc biệt, góp phần phát hiện, ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên du lịch hoạt động chui.
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, việc lắp camera trên các xe du lịch giúp quản lý được lái xe, phụ xe trong tác phong, văn hóa, văn minh phục vụ khách, đảm bảo giữ được uy tín thương hiệu của DN vận chuyển.
Ngoài ra, còn đảm bảo an toàn cho du khách hỗ trợ nhà xe và các công ty lữ hành trong việc quản lý khách và tài sản của công ty. Đến nay, các nhà xe và các công ty lữ hành chưa ghi nhận phàn nàn nào của du khách về việc trích xuất camera...
Bài và ảnh Nghi Lộc