Doanh nghiệp ít công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch: các doanh nghiệp càng minh bạch thì càng được nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tin tưởng. Nếu doanh nghiệp xây dựng và công khai Chương trình chống hối lộ, đây sẽ là một bước đi tích cực giúp họ đạt được điều đó.
Doanh nghiệp ít công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng
TS. Lê Đăng Doanh phát biểu tại Lễ công bố báo cáo TRAC Việt Nam 2018

Đây là một số phát hiện nổi bật được đưa ra trong Báo cáo “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam” (Báo cáo TRAC Việt Nam 2018), được Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam, công bố ngày 21/8 tại Hà Nội.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp trên ba khía cạnh: Công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu; và Công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia.

Báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp được đánh giá đạt điểm thấp với mức trung bình là 15% trong việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, hơn 50% các doanh nghiệp trong Báo cáo không công khai bất kỳ thông tin nào về khía cạnh này. Nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam chưa có quy định yêu cầu doanh nghiệp phải công khai các chương trình phòng, chống tham nhũng.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp FDI có kết quả đánh giá tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam bởi vì đa phần phải tuân thủ theo các quy định của công ty mẹ.

“Minh bạch là chìa khóa để thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Công khai thông tin doanh nghiệp làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng. Các doanh nghiệp càng minh bạch thì càng được nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tin tưởng. Nếu doanh nghiệp xây dựng và công khai Chương trình chống hối lộ, đây sẽ là một bước đi tích cực giúp họ đạt được điều đó”, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc TT cho biết.

Bà Viễn nhận định, so với kết quả Báo cáo TRAC Việt Nam 2017, kết quả Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 có sự cải thiện đáng kể. Việc cải thiện này được thể hiện trên hai nội dung “công khai thông tin doanh nghiệp về chương trình phòng, chống tham nhũng” và “minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu”. Có đến 10 trong số 18 doanh nghiệp được đánh giá trong cả hai Báo cáo TRAC (2017, 2018) có điểm số tăng về công khai các chương trình phòng, chống tham nhũng.

Về minh bạch trong cấu trúc, tỷ lệ sở hữu, theo Báo cáo, Việt Nam đã ban hành các quy định về công khai thông tin đối với các doanh nghiệp Nhà nước và các công ty đại chúng về tỷ lệ sở hữu, cấu trúc và danh sách các công ty con. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện công khai thông tin trên phương diện này tốt hơn so với kết quả đánh giá của các phương diện còn lại. Hơn 30% doanh nghiệp trong Báo cáo đạt điểm tối đa 100% (100% là công khai nhiều nhất; 0% là công khai ít nhất).

“Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì công khai thông tin về tỷ lệ sở hữu và cấu trúc doanh nghiệp là một phần không thể thiếu của quản trị doanh nghiệp hiệu quả”, Báo cáo đánh giá.

Bình luận về việc công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia, Báo cáo cho rằng, doanh nghiệp cần phải cải thiện nhiều hơn. Kết quả đánh giá TRAC 2018 về phương diện này hầu như không có chuyển biến tích cực so với TRAC 2017.

“Đây là điểm đáng lo ngại bởi cơ chế báo cáo theo quốc gia là công cụ để các cơ quan Nhà nước, báo chí và công chúng giám sát việc thực hiện minh bạch tài chính của doanh nghiệp và xử lý các vấn đề liên quan”, Báo cáo cho hay.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Báo cáo được thực hiện kịp thời và đúng lúc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

TS. Lê Đăng Doanh lưu ý, hai FTA chất lượng cao mà Việt Nam đang đàm phán và tiến tới ký kết là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), phần nội dung về phòng chống tham nhũng khá ngặt nghèo. Để thực thi các cam kết CPTPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi bổ sung nhiều quy định pháp luật, trong đó có quy định về công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng.

“Báo cáo nên bổ sung thêm những điều cam kết về công khai minh bạch và phòng chống tham nhũng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam kịp thời đáp ứng các cam kết này để có thể tận dụng được những lợi thế mà Hiệp Định đã mở ra”, ông Doanh đề xuất.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-it-cong-khai-thong-tin-ve-chuong-trinh-phong-chong-tham-nhung-79149.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.