![]() | Đề xuất 7 biện pháp xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng |
![]() | Quỹ BLTD không được sử dụng vốn để kinh doanh tiền tệ, chứng khoán, BĐS |
Nhằm hỗ trợ vốn cho các DNNVV, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế về chính sách tài chính hỗ trợ cho khu vực này như: Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, cung cấp tín dụng, Quỹ Phát triển DNNVV... Tuy nhiên, việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hiện còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các TCTD cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.
![]() |
Để phát huy vai trò, hiệu quả của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của các địa phương, các tổ chức hội |
Trên thực tế, phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; Trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi… nên khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Việc ra đời Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV kỳ vọng sẽ giúp DNNVV có thể dễ dàng kết nối với ngân hàng để vay vốn.
Trước hiện trạng đó, ngày 8/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thay thế Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và các văn bản có liên quan.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 16 năm Chính phủ có Quyết định số 193/2001 về việc ban hành Quy chế thành lập tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đến cuối năm 2017, cả nước có 27 quỹ được thành lập và đi vào hoạt động.
Với tổng vốn điều lệ thực có của các quỹ ước khoảng trên 1.400 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách. Trong 16 năm vừa qua, tất cả các quỹ trên cả nước mới chỉ bảo lãnh được khoảng trên 4.100 tỷ đồng vốn vay trong tổng số 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng của khối DNNVV.
Những nội dung mới tại Nghị định 34 đã đưa ra những quy định cụ thể, sáng rõ hơn về mô hình và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng như các Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp.
Việc tổ chức điều hành hoạt động Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thực hiện theo một trong hai phương thức là thành lập bộ máy tổ chức quản lý điều hành độc lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương hoặc ủy thác cho Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Những quy định này sẽ tạo tiền đề để cải thiện đáng kể hiệu quả của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong cả nước.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, các Quỹ Bảo lãnh tín dụng trên thực tế hoạt động chưa thực sự hiệu quả, không đáp ứng được kỳ vọng của các DNNVV là do sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng... Đồng thời, còn là những vướng mắc trong quy định bảo lãnh.
Để phát huy hiệu quả vai trò của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, cần sự vào cuộc không chỉ của các TCTD mà rất cần sự hỗ trợ của các địa phương, các tổ chức hội. TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, việc ra đời Nghị định 34 kỳ vọng đem lại cơ chế thông thoáng giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên cũng cần có sự vào cuộc của các địa phương để phát huy hiệu quả thực sự của quỹ.
Khi Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập ở các địa phương, UBND tỉnh là cơ quan chức năng phải yêu cầu tăng cường vai trò của các tổ chức đại diện cho DN, từ đó giúp DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-huy-vai-tro-cua-quy-bao-lanh-tin-dung-79051.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.