![]() | Nỗi buồn di tích xuống cấp |
![]() | Bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch |
Gần đây nhất, đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - một di tích có niên đại hơn 300 năm, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng được trùng tu bằng cách dỡ bỏ hoàn toàn để xây mới bằng bê-tông, khiến dư luận bất bình.
![]() |
Đình Lương Xá bị làm mới |
Dư luận vẫn còn chưa quên, năm 2012, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra vụ việc sư trụ trì tự ý hạ giải chùa Trăm Gian, một di sản nghìn năm tuổi của Thủ đô. Nhiều cấu kiện gỗ làm nên giá trị kiến trúc của nhà Tổ bị thay đổi và được lắp ghép, xây mới từ xưởng chế biến gỗ đơn sơ đặt trong khu vực di tích. Việc tu bổ này tốn kém nhiều tỷ đồng, có được từ khả năng huy động của sư trụ trì. Thật đáng tiếc, bài học từ chùa Trăm Gian đã chưa được đúc rút, thì lại xảy ra sự việc của đình Lương Xá.
Trước đó, dư luận cũng đã nhiều lần xót xa, khi phải chứng kiến những ngôi đình, ngôi chùa bị làm mới với một mỹ từ quen thuộc là: tu bổ. Điều đó cho thấy rằng chúng ta có rất nhiều di sản, nhưng lại không được gìn giữ, bảo vệ một cách khoa học và công phu.
Đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều di tích xuống cấp, chúng tôi thật sự cũng đau lòng. Địa phương không đủ nguồn lực để đứng ra tu sửa. Tiền ngân sách của các tỉnh, thành không đủ sức vươn tay. Bởi thế các di tích này phải chịu sự khắc nghiệt của thời gian và mưa nắng, dẫn đến xuống cấp từng ngày. Các bô lão trong thôn làng cũng chỉ biết xót xa.
Do vậy, việc xã hội hóa, tìm nguồn từ bên ngoài là cực kỳ cần thiết và quan trọng và sẽ giúp nhiều di tích được cứu. Nhưng đó cũng sẽ là con dao hai lưỡi. Đầu tư tiền vào, nhưng lại thiếu khoa học, thiếu sự tham khảo các cơ quan chuyên môn thì cũng chẳng khác nào bức hại di tích.
Việc tu bổ đình Lương Xá do người dân thôn Lương Xá tự làm. Di tích này dù chưa được xếp hạng nhưng lại nằm trong danh mục kiểm kê di tích của TP. Hà Nội, ban hành hồi tháng 10/2016, nên phải được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Nguyên tắc khi trùng tu là phải có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền và bảo đảm giữ lại các giá trị gốc. Nhưng rõ ràng nhiều trường hợp đã không được thực thi như vậy.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhận định, công tác quản lý di tích ở địa phương đang rất yếu, cộng đồng dân cư cũng chưa nhận thức tốt về giá trị di sản.
Hiện nay TP. Hà Nội có hàng trăm di tích xếp hàng chờ tu bổ. Theo phân cấp quản lý, thành phố sẽ trực tiếp hỗ trợ kinh phí tu bổ các di tích cấp quốc gia, di tích cách mạng kháng chiến; còn các di tích xếp hạng cấp thành phố hoặc trong danh mục kiểm kê phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách của quận, huyện.
Song có nghịch lý là nhiều địa phương chưa có nguồn vốn, hoặc chưa ưu tiên bảo tồn di sản nên di tích xuống cấp. Việc tu bổ các di sản trông chờ vào nguồn đầu tư xã hội hóa. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của nguồn vốn này, nhưng phải hết sức tránh làm mới và làm mất giá trị cốt lõi của di tích.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-vet-thuong-di-tich-78764.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.